Cà Mau: Vườn dâu xanh giữa rừng xanh
Xã Nguyễn Phích là địa phương có diện tích trồng dâu không chỉ đứng đầu trong huyện U Minh mà còn là của tỉnh Cà Mau. Nhằm duy trì và bảo tồn danh tiếng dâu Cái Tàu vốn tồn tại gần thế kỷ qua, trong những năm gần đây, tại vùng đất này, chính quyền địa phương đã vận động một số nhà vườn, nhất là nông dân sống trên địa phận xã Nguyễn Phích ra sức gầy giống, vun trồng, cải tạo lại vườn tạp và khôi phục vườn dâu theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với du lịch cộng đồng tự nhiên. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút khách du lịch đến với các địa điểm du lịch cộng đồng tại địa phương. Xác định vườn dâu có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển du lịch cộng đồng, mang lại kinh tế khá cao cho chủ vườn, từ đầu năm đến nay các nhà vườn trên địa bàn xã đã tiến hành cải tạo diện tích vườn già cỗi, kém hiệu quả để tập trung xây dựng mô hình vườn dâu gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời các chủ vườn còn ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá du khách đến vườn nhà mình, bằng cách tạo các trang web, các tài khoản Zalo, Facbook… để đăng tải những hình ảnh vườn dâu hấp dẫn, những dịch vụ tiện ích khi khách đến tham quan.
Có khoảng trên 150 gốc dâu đang cho quả. Đây là năm thứ 3 dâu cho trái và cô Giang mở cửa đón khách du lịch.
Tại đây, du khách tự hái từng chùm dâu chín tươi ngon để thưởng thức và mang về làm quà cho gia đình, bạn bè khi có dịp về đất U Minh.
Những gương mặt hớn hở, thích thú của du khách, từ người lớn đến trẻ nhỏ dưới rặng dâu trĩu quả; cả nhà quây quần ăn nhẹ, ca hát
Vào mùa du lịch, những vườn dâu không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa, mà còn giúp chủ vườn thu lãi hàng chục triệu đồng/vụ. Theo cô Trần Hồng Giang, chủ vườn dâu ở ấp 15, xã Nguyễn Phích phấn khởi cho biết “Gia đình cô có đến 9 công đất trồng cây ăn trái gồm: 30 gốc quýt, 20 gốc xoài và một số loại cây ăn trái khác như mãng cầu, vú sữa, mít, ổi, đặc biệt trong đó có trên 150 gốc dâu đang cho trái”. Cô tâm sự lúc đầu tôi định chăm sóc cây để lấy trái bán cho các chủ vựa trái cây ở trong huyện nhưng nắm bắt được nhu cầu thích du lịch theo kiểu về vườn của bà con gần xa nên cô và chồng đã nảy sinh ý tưởng tạo Vườn dâu theo hướng du lịch cộng đồng thay cho việc phải đem bán tại điểm chợ, vừa mất thời gian, giá cả lại không cao, chỉ 10.000 – 12.000/kg. Trong khi đó, mỗi khách đến vườn tham quan, vui chơi chỉ tính giá vé 30.000 đồng/người (vào ăn thoải mái, miễn phí vé cho trẻ em) và tại đây cô phục vụ: Bán nước uống và đồ ăn nhẹ cho khách có nhu cầu kèm theo dịch vụ giữ xe, võng và bạt trải miễn phí cho khách tham quan nghỉ ngơi sau 1 chặng đường dài. Khoảng hơn 3 năm nay, nhờ việc mở cửa bán vé cho khách du lịch tham quan, mỗi năm gia đình cô thu nhập từ 150.000.000 đồng trở lên, với cách làm trên không chỉ giúp gia đình có công ăn việc làm ổn định mà còn định hướng được kinh tế gia đình mang tính bền vững. Đặc biệt, mỗi năm vườn dâu Nguyễn Phích thường cho trái vào dịp kỳ nghỉ lễ 30/4, 01/5 nên số lượng lượt khách tham quan vườn dâu của cô lúc nào cũng đông. Đây là động lực để cô Giang và người dân địa phương từng bước mở rộng và đầu tư hơn nữa du lịch cộng đồng từ chính vườn dâu của gia đình mình. Cô cho biết thêm, đến nay vườn dâu của mình phát triển rất tốt, mỗi năm cô đón trên dưới 5.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi, cắm trại tại vườn. Thời gian tới, cô dự tính sẽ tuyển bỏ những cây dâu phát hiểu chưa tốt, năng suất thấp để trồng lại cây mới và trồng thêm giống dâu leo cho năng suất cao, hương vị sẽ thơm ngon hơn loại giống dâu cũ. Đồng thời cô sẽ nhờ sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp xã để hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, đạt hiệu quả cao hơn nhằm phát triển hơn nữa du lịch của xã nhà.
Có những du khách tranh thủ nằm võng thư giãn, như trút hết những mệt mỏi, lo toan sau những ngày lao động mệt nhọc…
Mỗi năm cô đón trên dưới 5.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi, vườn dâu là địa điểm lý tưởng để tổ chức cắm trại và vui chơi giải trí cho gia đình.
Song song với Facebook của các nhà vườn phát triển du lịch, chính quyền xã và địa phương còn định hướng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh phát triển mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với du lịch cộng đồng, hỗ trợ nhà vườn xây dựng, quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Lâm Văn Đời