Các di tích nhà Trần ở Đông Triều: Điểm cộng cho Yên Tử trở thành di sản thế giới
Thái miếu - công trình tôn tạo này đã được đặt tại vị trí lùi sau nền móng công trình cũ.
Với rất nhiều những di tích, di vật, lễ hội, nghi thức tín ngưỡng… thời Trần còn lại trên địa bàn đến ngày nay, Đông Triều chính là vùng trầm tích nhà Trần đậm đặc không chỉ của Quảng Ninh mà của cả nước. Lợi điểm lớn của Đông Triều mà không vùng đất nào có được chính là quê gốc của các vị đế vương nhà Trần, là nơi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng BQL di tích nhà Trần tại Đông Triều phân tích: Trong cuộc đời con người, có nhiều vùng đất, địa điểm từng đặt chân đến để học tập, làm việc, ghi dấu ấn công danh kỳ tích… nhưng quê gốc và nơi viên tịch thì chỉ có một. Đó chính là tính riêng có, giá trị linh thiêng của vùng đất và các di tích Đông Triều, cũng là một điểm cộng khi xét hồ sơ công nhận Yên Tử là di sản thế giới theo hướng liên vùng, tỉnh, điểm di tích.
14 điểm di tích nhà Trần hiện đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, được Đông Triều gìn giữ và phát huy giá trị khá tốt. Cách bảo vệ di tích của Đông Triều trong thời gian dài qua thiên về tôn trọng tính nguyên gốc, nguyên trạng di tích, khá phù hợp với quy định và quan điểm của UNESCO. Thực tế trong nhiều năm qua, Đông Triều ưu tiên trùng tu di tích thay vì tôn tạo di tích. Tức là ưu tiên việc bổ khuyết di tích, di vật trên nền tảng hiện vật hiện có, đối chiếu di tích cùng loại hay những ghi chép sử liệu về di tích chứ không cố gắng làm mới, xây đè lên nền móng hay làm giả cổ, kể cả làm giả trên cơ sở nguyên mẫu cũ.
Các di tích được trùng tu, tôn tạo gần đây của TX Đông Triều đảm bảo tốt tiêu chí tôn trọng tính nguyên gốc, nguyên trạng là Thái miếu, chùa Hồ Thiên, am Ngọa Vân, lăng vua Trần Anh Tông, chùa Ngọc Thanh, lăng Tư Phúc…
Tiêu biểu đối với di tích Thái miếu, toàn bộ vị trí nền móng đã khảo cổ, phát lộ, sau khi xác định giá trị đều được giữ nguyên hiện trạng, vùi lấp lại để bảo quản trong lòng đất. Vị trí công trình Thái miếu tôn tạo mới hiện nay được đặt ở vị trí phía sau nền móng cũ đã được khảo cổ. Như vậy các dấu vết kiến trúc, hiện vật của di tích cũ không bị làm mai một, xô lệch đi, là cơ sở để các thế hệ sau này tiếp tục nghiên cứu, xác định đầy đủ hơn về giá trị di tích cũng như cái nhìn toàn diện hơn về trình độ nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa đời xưa.
Các di tích Hồ Thiên cũng đang được tôn tạo theo hướng giống như của Thái miếu, tức công trình mới không đè lên dấu vết cũ. Lăng vua Trần Anh Tông nằm giữa hồ Trại Lốc được triển khai theo hướng trùng tu, không xây dựng công trình kiên cố mà chỉ gia cố sỏi, cuội. Chùa Ngọc Thanh, lăng Tư Phúc hiện đang để ở dạng nguyên trạng, chỉ gia cố những chỗ bị xuống cấp để tránh mất dấu vết. Riêng am Ngọa Vân, nơi ghi dấu Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, mặc dù công trình hiện nay không phải nguyên gốc thời Trần mà mới được tôn tạo từ đầu thế kỷ XXI song TX Đông Triều cũng đã thỏa thuận với Bộ VH,TT&DL trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích sẽ giữ lại, không xây mới, xây đè lên…
Có thể thấy các di tích nhà Trần tại Đông Triều hiện nay đang được bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị đúng hướng, hiệu quả. Các di tích này chính là một phần “bức tranh” đời sống, văn hóa, kinh tế đời nhà Trần trên vùng đất Quảng Ninh mà các thế hệ hiện nay và sau này đều muốn tìm hiểu, khám phá. Hơn hết các di tích nhà Trần tại Đông Triều còn góp phần làm giàu thêm giá trị cho Yên Tử trong lộ trình đưa Yên Tử trở thành di sản thế giới đang được các đơn vị chức năng tích cực triển khai hiện nay./.