Hành trang lữ khách

Cần bổ sung trò chơi, trò diễn dân gian vào các tour du lịch

Cập nhật: 23/09/2024 14:14:17
Số lần đọc: 595
Hiện nay các trò chơi và trò diễn dân gian chưa được xây dựng thành sản phẩm du lịch độc lập mà mới chỉ chủ yếu được tổ chức trong các lễ hội; trình diễn tại các sân khấu, các câu lạc bộ… Theo chuyên gia du lịch, bên cạnh góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, các trò chơi và trò diễn dân gian còn tạo nên những yếu tố hấp dẫn, thu hút du khách.


Tại hội thảo "Phát triển du lịch dựa trên phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng" của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR), nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian tại Việt Nam đã chứng minh được sức hút với người dân và khách du lịch như: đấu vật, kéo co, cờ người, cướp cờ, chọi gà, chọi trâu, nhảy bao bố, thả diều, múa rối nước... Hiện nay vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 15 trò chơi dân gian và 9 trò diễn dân gian có giá trị lớn, khả năng cao để khai thác phục vụ phát triển du lịch. 

Khách quốc tế tìm hiểu về nghệ thuật rối nước Việt Nam.

Tuy nhiên, các trò chơi, trò diễn có ở nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng với cách thức giống nhau sẽ làm cho khách du lịch sẽ cảm thấy không hứng thú. Đại diện nhóm nghiên cứu - ThS. Nguyễn Thùy Vân cho biết, trong số khách du lịch đến vùng Đồng bằng sông Hồng có tham gia hoặc xem các trò chơi, trò diễn dân gian, 65% khách quốc tế cho biết đã từng tham gia hoặc xem; trong khi khách nội địa chỉ có 46%. Điều tra về các đối tượng khách ưa thích trải nghiệm du lịch gắn với trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy, 93% các chuyên gia đánh giá khách quốc tế là đối tượng ưa thích nhất; còn 82% đánh giá khách nội địa.

Lý giải sự khác biệt này, ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc công ty du lịch Indochina Journey cho biết các du khách quốc tế, nhất là từ nền văn hóa xa lạ như phương Tây thường tò mò và yêu thích khám phá văn hóa Việt Nam, trong đó có các trò chơi, trò diễn dân gian. Trong khi với khách Việt Nam thì những trò chơi đó đã quá gần gũi đến mức nhàm chán, hoặc các thiết bị điện tử, mạng xã hội đã khiến nhiều bạn trẻ không còn hứng thú cũng như thời gian dành cho các trò chơi dân gian.

Theo TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, phát huy các giá trị di sản phi vật thể là một định hướng lớn trong phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên tại nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng, giữa một kho tàng văn hóa đặc sắc nhưng việc khai thác giá trị văn hóa gắn với du lịch vẫn còn yếu, chưa đa dạng, thiếu hiệu quả.

Khách quốc tế trải nghiệm làng quê Việt Nam. Ảnh: Cao Kim Kiên

Vai trò của doanh nghiệp du lịch

Để phát triển du lịch dựa trên các giá trị trò chơi và trò diễn dân gian, các doanh nghiệp du lịch đóng vai trò thiết yếu. Trong đó, các doanh nghiệp xây dựng và tạo ra các chương trình du lịch hấp dẫn; tiếp thị, quảng bá điểm đến; kết nối thị trường khách; đồng thời cũng hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, trong đó có các trò chơi và trò diễn dân gian.

"Thấy người nước ngoài say sưa với các trò chơi, trò diễn truyền thống của Việt Nam, thậm chí thích thú hơn cả người Việt, chúng tôi vừa thấy vui vì khách hài lòng, những cũng lo lắng khi giới trẻ Việt Nam ít mặn mà. Vì vậy nhiều điểm đến và doanh nghiệp đã cùng nhau lồng ghép trò chơi dân gian vào các tour du lịch, hoạt động team-building như kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, thả diều... qua đó góp phần duy trì sự tồn tại và ý nghĩa của các trò chơi, trò diễn dân gian. Tuy nhiên hoạt động này còn chịu tính mùa vụ, như các công ty thường tổ chức vào mùa hè, còn khách học sinh, sinh viên chỉ đi vào những thời điểm nhất định trong năm. Hơn nữa vì các trò chơi diễn ra ngoài trời nên phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là những điểm du lịch vào mùa mưa bão", ông Nguyễn Đức Hùng cho biết.

Hướng dẫn người dân, du khách làm diều tại một lễ hội ở Huế.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, để phát huy các giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng, trước tiên các tour du lịch phải bổ sung thêm những điểm du lịch có truyền thống, sở hữu trò chơi hoặc trò diễn dân gian tiêu biểu, ví dụ chương trình du lịch đến Hải Dương có thể bổ sung thêm các điểm có trò pháo đất ở Ứng Hòe, múa rối Hồng Phong ở Ninh Giang. Tại các địa điểm này, du khách có thể trải nghiệm trực tiếp và tham gia vào các trò chơi hoặc trò diễn dân gian.

Cần tổ chức các tour du lịch chuyên đề, tập trung vào trải nghiệm các trò chơi dân gian. Du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động như kéo co, bịt mắt bắt dê, múa lân, và nhiều trò chơi truyền thống khác. Tour nên có các buổi học về lịch sử và ý nghĩa của từng trò chơi, các buổi giao lưu với nghệ nhân và thưởng thức ẩm thực truyền thống. Với tour khám phá lễ hội, du khách được tham gia vào các lễ hội dân gian đặc sắc tại các địa phương, trải nghiệm các nghi thức và hoạt động truyền thống. 

Thi kéo co tại Liên hoan trò chơi dân gian trong Lễ hội văn hóa biển đảo Việt Nam năm 2023, tại Hải Phòng.

Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm dành riêng cho học sinh, sinh viên. Nhóm đối tượng này có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa truyền thống, khám phá những điều mới lạ và thường có khả năng thích nghi cao với các hoạt động trải nghiệm. Các sản phẩm ưa thích đối với phân khúc khách này là các tour du lịch ngắn ngày, chi phí trung bình, các tour vào cuối tuần gắn với các hoạt động trải nghiệm trò chơi hoặc trò diễn dân gian tại các làng quê, lễ hội địa phương.

Thông qua đầu mối là các nhà trường, hội phụ huynh, các chương trình giáo dục di sản, văn hóa truyền thống của địa phương cần được tổ chức, kết hợp thực tập và thực địa để học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia vào các hoạt động văn hóa dân gian, tham gia các trò chơi hoặc trò diễn dân gian và học hỏi từ các nghệ nhân. Chương trình này nên kết hợp với các hoạt động tham quan làng nghề và thưởng thức ẩm thực địa phương.

Hải Nam

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 23/09/2024

Cùng chuyên mục