Hành trang lữ khách

Thăm các di tích nổi tiếng ở “xứ dừa”

Cập nhật: 24/09/2024 14:23:11
Số lần đọc: 573
Nằm ở hạ lưu sông Mekong, lại được phù sa của 4 con sông (Hàm Luông, Cổ Chiên, Tiền, Ba Lai) bồi tụ nên đất đai ở “xứ Dừa” Bến Tre. Nơi hội tụ trung tâm Phật giáo của tỉnh mà còn là chứng tích của những thăng trầm lịch sử đất nước.

Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia năm 1994. Ngôi chùa này tọa lạc tại ấp Tân Thới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam. Được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 14 (năm 1861), chùa Tuyên Linh không chỉ là một trong những trung tâm Phật giáo của tỉnh Bến Tre mà còn là chứng tích của những thăng trầm lịch sử đất nước. Chùa Tuyên Linh là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1926 - 1927, cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến và ở lại chùa, mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng cũng bí mật hoạt động tại chùa và trở thành những đảng viên cộng sản ưu tú.

Đình Tiên Thủy

Đình Tiên Thủy (ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) có kiến trúc đặc trưng của vùng Nam Bộ, được khởi dựng từ thế kỷ XVIII và được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2013.

Đình Tiên Thủy được xây theo lối kiến trúc hình chữ “Sơn”, gồm các gian: Võ ca, võ quy, nghi ngoại và chính điện. Đặc biệt, vách ngoài đình được xây bằng gạch ô dước (một loại hợp chất chiết từ cây ô dước có tính bền vững rất cao). Dãy hành lang bao quanh đình được tạo thành bởi các cột có đắp nổi phù điêu theo kiến trúc Tây phương. Các cột, kèo, rui bên trong đình đều được làm bằng gỗ quý. Các giàn bao lam sử dụng kỹ thuật chạm lộng thủ công. Hệ thống hoành phi, liễn đối được chạm âm, chạm lộng làm bật lên những đường nét sắc xảo của các Hán tự.

Hằng năm, vào ngày 10-12 tháng Mười một, tại đình Tiên Thủy diễn ra Lễ hội Kỳ Yên. Trong lễ hội có các hoạt động như lễ Du thần trên sông, thả đèn hoa đăng và biểu diễn nghệ thuật hát bội.

Nhà thờ Cái Mơn

Nhà thờ Cái Mơn tọa lạc tại xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), được xây dựng vào năm 1702 và là nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ. Đây cũng là nơi có cha sở người Pháp nhậm chức lâu nhất. Trong suốt 48 năm (1864 - 1912), cha Gernot, người Pháp (được giáo dân Việt gọi là cha Quý) đã coi sóc giáo xứ Cái Mơn; sau này đã cho tu sửa nhà thờ với quy mô lớn như ngày nay.

Khánh Vi

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Đăng ngày 11/3/2024

Cùng chuyên mục