Cận cảnh đền thờ Kinh Dương Vương, nơi thờ vị vua đầu tiên của đất nước
Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh) là cái nôi chốn tổ của đất Việt, không những là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, mà nơi đây còn là một địa điểm lịch sử của cả dân tộc.
Lăng Kinh Dương Vương có lịch sử lâu đời, phía trước cổng ra vào chia làm 3 lối, phân cách bằng các cột trụ lồng đèn. Hai bên cánh phong xây đắp hình võ sĩ đứng canh, xung quanh nhiều cây cổ thụ. Năm 1949, lăng mộ bị thực dân Pháp tàn phá. Năm 1971, Lăng được nhân dân địa phương xây dựng lại trên tổng diện tích 36 ha, được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt năm 2012.
Lăng được xây dựng trên một dải đất cao, bên hữu ngạn sông Đuống, phía sau là đê Đuống, mặt quay hướng Bắc, xung quanh là bãi bồi trải rộng. Đài lăng được xây theo kiểu 2 tầng chồng diêm 8 mái, từ cổng đi thẳng vào là khu trung tâm lăng mộ, dựng tấm bia “Kinh Dương Vương lăng” khắc năm 1840.
Đã hàng trăm năm nay, cứ đến ngày 18/1 (âm lịch) là người dân làng Á Lữ cùng với nhân dân xung quanh lại tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương nhằm tưởng nhớ đến vị vua đầu tiên của nước Việt. “Nhớ ngày Mười Tám tháng Giêng/ Giỗ vua Thủy Tổ thiêng liêng nước nhà/ Dù ai xuôi ngược gần xa/ Tìm về bái tổ xứng là đạo con!.
Năm 2013, Lăng Kinh Dương Vương được Nhà nước đầu tư kinh phí kè sông, mở rộng khuôn viên Lăng và xây dựng thêm một số công trình. Ngoài khu trung tâm Lăng, khu di tích được tu bổ các hạng mục: Nhà thờ Văn, nhà thờ Võ và nhà khách.
Đền thờ Kinh Dương Vương vốn xưa được xây dựng ở phía Tây làng Á Lữ. Đền thờ Kinh Dương Vương gọi là Đền Thượng, gồm hai gian tiền tế và hậu đường. Gần Đền Thượng là Đền Hạ nơi thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Sơ đồ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương.
Đến năm 1949, đền và đình làng Á Lữ bị quân Pháp phá dỡ lấy vật liệu xây bốt Á Lữ, các đồ thờ tự ở đền được đưa về khu Văn chỉ của làng. Sau năm 1954, dân làng tôn tạo Văn chỉ thành Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ theo sự tích là 3 vị thủy tổ Việt Nam khai sáng cơ đồ nước Việt. Năm 1999 dân làng trùng tu ngôi đền đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Kiến trúc Đền thờ theo lối chữ Công gồm: Tiền tế 5 gian, khung gỗ lim, phía sau để thông với một gian Ống muống nằm dọc và nối với Hậu cung 3 gian. Đề tài trang trí của di tích chủ yếu gồm Tứ linh, Tứ quý. Các mảng chạm khắc cầu kì được thể hiện ở đầu dư, các mảng cốn của di tích.
Trong Đền, các di vật và tài liệu được bài trí khá phong phú về loại hình và giá trị nghệ thuật. Ba bộ ngai thờ đặt ở hậu cung, ngai thờ Kinh Dương Vương đặt ở ban giữa, ngai thờ Lạc Long Quân đặt ở gian phải và ngai thời Âu Cơ đặt ở gian trái. Tất cả đều được chạm khắc và sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Với những giá trị và ý nghĩa lớn lao của khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ. Ngày 2/2/1993, khu di tích được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia./.
Văn Giang