Non nước Việt Nam

Giữ nét văn hóa truyền thống qua ngày hội đoàn kết của đồng bào vùng cao Bắc Kạn

Cập nhật: 16/11/2022 09:05:10
Số lần đọc: 763
Ngày hội đại đoàn kết của bản Phja Mạ, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn năm nay phục dựng và tái hiện lại một phần nghi lễ rước dâu của người Dao để đưa lên sân khấu ngày hội.


Với đồng bào các dân tộc ở tỉnh miền núi Bắc Kạn, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là dịp thể hiện những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình qua những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, các trò chơi dân gian và thậm chí cả những nghi lễ truyền thống được tái hiện trên sân khấu với mong muốn văn hóa dân tộc sẽ được thế hệ trẻ gìn giữ, lưu truyền.

Tiết mục hát then, đàn tính được người dân Khuổi Vạc, xã Văn Vũ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn biểu diễn.

Ngày hội đại đoàn kết của bản Phja Mạ, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm năm nay phục dựng và tái hiện lại một phần nghi lễ rước dâu của người Dao để đưa lên sân khấu ngày hội. Phja Mạ là thôn có hơn 130 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao và vẫn giữ nét văn hóa truyền thống từ lâu đời trong trang phục, nếp sinh hoạt và tập tục, tín ngưỡng. Rước dâu trong đám cưới là một trong nghi lễ quan trọng của cuộc đời mỗi người và cũng thể hiện đầy đủ nét đẹp văn hóa đồng bào Dao. Nghi thức này có cả phần nghi lễ, âm nhạc, có điệu hát Pá Dung giao duyên với những bộ trang phục đẹp nhất của người Dao.

Ông Triệu Tòn Sếnh, Bí thư Chi bộ Phja Mạ, xã Công Bằng nói: “Đây là bản sắc văn hóa người Dao, ngày cưới là nhà trai sẽ tổ chức đội nhạc cụ đến nhà gái để làm lễ, cám ơn nhà gái đã cùng đưa cô dâu về. Hôm nay bản đưa tiết mục này lên sân khấu để mọi người cùng thưởng thức và hiểu hơn về truyền thống văn hóa mà cha ông truyền lại”.

Tái hiện nghi thức đón dâu của người Dao bản Phja Mạ, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày hội đại đoàn kết ở bản Nà Cà, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông năm nay cũng thực sự tạo được không khí hồ hởi, phấn khởi. Các bà, các chị đã chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất để đến nhà văn hóa của bản.

Chị Trịnh Thị Hoa, người dân thôn Nà Cà bảo: “Phụ nữ Dao chúng tôi có 2 bộ trang phục lễ hội quan trọng, là bộ này và một bộ nữa để mặc làm dâu. Hôm nay chúng tôi mặc bộ này để tham gia ngày lễ quan trọng của bản, tôn vinh ngày đại đoàn kết, mặc lên thấy rất tự hào và cảm thấy mình có trách nhiệm gìn giữ phong tục, tập quán, không thể để truyền thống của thế hệ trước truyền lại bị mai một đi.”

Người dân bản Nà Cà, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để tham dự ngày hội.

Không chỉ ở các bản làng, ngay ở thành phố Bắc Kạn, nơi nhịp sống đô thị với những loại hình văn hóa hiện đại thì những nét truyền thống đặc trưng vẫn được người dân trân trọng, giữ gìn. Có thể kể đến như tiết mục múa “Cầu mùa” của bà con người Dao ở Bản Bung, xã Dương Quang; Phần thi trang phục truyền thống của bà con phường Xuất Hóa; Hay các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đẩy gậy, ném còn, lạy cỏ, đánh yến…và không thể thiếu được đó là những bộ quần áo truyền thống của người Tày, Mông, Dao… cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát then, đàn tính, sli, lượn, hát Pá Dung, múa Khèn, hát giao duyên.

Chị Nông Bích Diệp, người dân thành phố Bắc Kạn nói: “Phát huy, gìn giữ truyền thống dân tộc Tày nên đi ngày hội người già, người trẻ đều mặc quần áo truyền thống người Tày. Trong hội tổ chức các trò chơi truyền thống như nhảy sạp, giã bánh dày, thi đan lồng gà…nhiều trò chơi dân tộc vui lắm. Về văn nghệ có hát các bài hát then, sli, lượn, các cháu đều mặc quần áo đẹp theo từng dân tộc mình. Tham gia ngày hội bà con vui, phấn khởi lắm, ngày hội là để phát huy truyền thống các dân tộc và tăng tình đoàn kết làng xóm”.

Trò chơi đánh cầu của phụ nữ Nà Cà, xã Mỹ Thanh, Bạch Thông, Bắc Kạn.

Tỉnh Bắc Kạn có 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngày hội đại đoàn kết cũng chính là dịp để các bản làng thể hiện tinh thần đoàn kết và phô diễn những nét đẹp truyền thống của từng dân tộc qua các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian với sự đầu tư công phu, tỉ mỉ về nội dung, hình thức.

Ông Ma Nhật Hoài, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn nói: “Qua tham dự, theo dõi chúng tôi thấy không chỉ các cụ, nhưng người cao tuổi, mà tham gia còn có không ít các bạn thanh niên, thế hệ trẻ họ cũng đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm giữ gìn nét văn hóa truyền thống cha ông để lại. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch chỉ đạo tiếp tục đưa các nét văn hóa truyền thống vào ngày hội đại đoàn kết, để trở thành nét đặc trưng trong ngày hội của địa phương”.

Nhảy sạp được nhiều bản làng tổ chức.

Qua những lời ca, điệu múa, trò chơi dân gian hay những bộ trang phục truyền thống, bà con các dân tộc tỉnh miền núi Bắc Kạn đã giúp cho ngày hội đại đoàn kết trở nên ý nghĩa, thiết thực hơn khi giá trị văn hóa của cha ông để lại được gìn giữ, lưu truyền./.

Công Luận

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 16/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT