Cần Thơ phát huy giá trị ẩm thực dân gian Nam Bộ để thu hút du khách
Kể từ năm 2015, khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy được định hình và phát triển. Khách du lịch khắp nơi cũng đã đến đây và trải nghiệm nhiều loại bánh dân gian Nam Bộ, như: bánh ướt ngọt, bánh lá mít, bánh phu thê, bánh kẹp,... Đặc biệt, để tăng thêm phần hấp dẫn, các nghệ nhân ở đây còn cho khách tự trải nghiệm, tự tay làm nên những chiếc bánh dân gian.
Du khách trải nghiệm làm bánh kẹp cùng nghệ nhân Bảy Muôn, tại Khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, quận Bình Thủy, Cần Thơ.
Tại nhà nghệ nhân Bảy Muôn - một nghệ nhân làm bánh dân gian nổi tiếng ở Cần Thơ, tất cả các loại bánh ở đây đều được nghệ nhân làm thủ công và sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Công cụ làm bánh cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ cối xay bột đến khuôn làm bánh. Để góp phần phong phú thêm cho Lễ hội Bánh dân gian lần này, nghệ nhân Bảy Muôn cũng như các nghệ nhân khác tại Cồn Sơn đã tiếp tục hoạt động trải nghiệm làm bánh tại chỗ cho du khách. Rất nhiều người có mặt tỏ ra thích thú khi lần đầu tiên tự tay xay bột bằng cối đá, đổ nhiều loại bánh như: bánh kẹp cuốn, bánh lá mít. Điều đọng lại trong họ là hương vị ngọt mặn xen lẫn tình người xứ cồn.
Chị Đào Thị Hà, du khách đến từ Nghệ An, vừa cho bột vào khuôn bánh kẹp, vừa chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được đến Cồn Sơn và cũng là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm làm bánh kẹp. Tôi thấy đây là một trải nghiệm khá thú vị và mong muốn sẽ dẫn người thân, bạn bè của mình đến đây để trải nghiệm những nét văn hóa của người miền Tây".
Du khách trải nghiệm làm bánh hỏi mặt võng cùng nghệ nhân Huỳnh Thị Mỹ, tại nhà vườn sinh thái – lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ.
Không chỉ địa chỉ quen thuộc Cồn Sơn là nơi dừng chân trải nghiệm làm bánh dân gian của khách du lịch, khoảng 10 năm nay, nhà vườn sinh thái – lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền cũng là một trong những điểm tham quan, trải nghiệm làm bánh dân gian của TP. Cần Thơ được khá nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Điều khiến du khách bất ngờ có lẽ chính là sự tỉ mỉ của nghệ nhân trong từng động tác, để rê ra từng miếng bánh hỏi có hình mặt võng. Càng thú vị hơn, khi chính du khách là những người được trải nghiệm và thưởng thức hương vị tuyệt vời của món bánh.
Ngoài những địa điểm trải nghiệm cùng các nghệ nhân làm bánh lành nghề, gần đây trên bản đồ du lịch TP. Cần Thơ còn xuất hiện một tiệm bán buffet bánh dân gian mang tên “AZ Bánh”, tọa lạc tại đường Trần Vĩnh Kiết, phường An Bình, quận Ninh Kiều của nhóm bạn trẻ. Với niềm đam mê bánh dân gian, nhóm bạn trẻ đã “biến tấu” hơn 20 loại bánh dân gian với lớp bột “mới lạ” thể hiện sự hiện đại, đầy hấp dẫn thực khách.
Thực khách thích thú khi thưởng thức bánh dân gian tại tiệm "AZ Bánh", quận Ninh Kiều, Cần Thơ
Tuy bánh được cách tân, màu sắc sặc sỡ nhưng đều được tạo màu từ nguyên liệu thiên nhiên như hoa đậu biếc, trái gấc, lá cẩm, trái dành dành… nên vẫn giữ được dư vị và màu sắc tự nhiên. Theo các bạn trẻ, ý tưởng thành lập tiệm có từ năm 2019 nhưng vì dịch Covid-19 đành gác lại. Đến nay, khi quán hoạt động cũng là lúc Cần Thơ chuẩn bị Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX, từng thành viên đều đặt cho mình “sứ mệnh” bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ. Du khách đến đây ngoài thưởng thức bánh, sẽ chiêm ngưỡng cách làm cũng như nghe thêm về sự tích ra đời từng loại bánh.
Anh Nguyễn Minh Đức, du khách đến từ TP.HCM thưởng thức bánh tại “AZ Bánh” bày tỏ: "Nhìn thì rất đơn giản, nhưng khi trải nghiệm rồi thấy công đoạn làm ra hình thù chiếc bánh, rồi hấp, nhiều công đoạn vậy tôi thấy rất kỳ công. Thích thú hơn nữa là khi tôi được trải nghiệm và sau đó thưởng thức chính những sản phẩm mà mình đã làm ra thì cảm giác rất đặc biệt".
Các thành viên “AZ Bánh” cho biết, sắp tới cửa hàng phối hợp cùng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Ninh Kiều tham gia Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX và tham gia Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ trong khuôn khổ lễ hội. Việc góp mặt vào lễ hội bánh dân gian quy mô miền Tây, là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của những người trẻ trong giữ gìn và phát huy nét đẹp ẩm thực dân gian của quê hương.
Các loại bánh dân gian được khoác áo mới tại tiệm "AZ Bánh", quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Không chỉ vậy, các làng nghề bánh dân gian cũng đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch dã ngoại trong và ngoài thành phố để xây dựng tour. Cụ thể, tại một số điểm du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái, làng nghề có chương trình mời du khách tham quan, trải nghiệm, thử làm và thưởng thức bánh dân gian cùng nghệ nhân.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, chủ nhà vườn sinh thái – lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền chia sẻ: "Tôi nghỉ hoạt động thời gian dịch bệnh cũng cả năm, giờ thì hoạt động lại. Cái bánh này làm cực lắm vì làm thủ công thành ra ít người chịu làm, nghề mình là nghề truyền thống, mình yêu nghề thì duy trì nghề của mình để sau này không bị lãng quên. Sắp tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ở Cần Thơ mở Lễ hội Bánh dân gian, tôi không tham gia thi nhưng vẫn mở cửa đón khách tại đây. Khách có nhu cầu đến ăn bánh hay tham quan đều được tiếp đón".
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX có quy mô khoảng 200 gian hàng bánh dân gian truyền thống, sản phẩm OCOP, ẩm thực và bánh hiện đại, đặc sản vùng miền,... sự góp mặt của các nghệ nhân, nhóm bạn trẻ, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, nhất là các loại bánh dân gian truyền thống của Nam Bộ nói chung và ở Cần Thơ nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích sự sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường cũng như góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói của vùng đất Tây Đô trong điều kiện bình thường mới./.
Hồng Phương