Hoạt động của ngành

Cần Thơ: Xây dựng sản phẩm du lịch từ trái dâu Phong Điền

Cập nhật: 02/06/2022 10:59:51
Số lần đọc: 724
Miệt vườn Phong Điền, TP Cần Thơ, đang vào mùa dâu chín rộ, trở thành điểm đến thu hút du khách gần xa. Dâu, đặc biệt là dâu hạ châu, từ lâu đã trở thành loại trái cây biểu trưng của Phong Điền và địa phương cùng với người dân đang định hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn.


Vườn dâu 9 Hồng thu hút rất đông khách tham quan, trải nghiệm và thưởng thức trái ngon.

Mấy ngày gần đây, điểm tham quan Vườn trái cây 9 Hồng (xã Mỹ Khánh) đón rất đông khách tham quan, nhất là vào dịp cuối tuần. 3 công dâu bòn bon được lên liếp, mỗi liếp trồng hai hàng dâu, cành trái giao với nhau, tạo khoảng không ở giữa cho khách đi tham quan rất ấn tượng. Những cây dâu vàng rực trái từ nhánh đến gốc khiến du khách ai cũng trầm trồ. Bà Ninh Thị Lệ, du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Cây dâu mọc trái từ thân, trái sum suê đến không ngờ, thật tuyệt vời. Đây là lần đầu tôi đến với miệt vườn Cần Thơ, thăm vườn dâu và rất hài lòng”. Chẳng những vậy, du khách còn được thưởng thức món gà vườn om dâu ngay tại nhà vườn với hương vị rất độc đáo, là món ngon mùi nhớ khi đến với Phong Điền.

Ông Phạm Văn Hoàng, chủ Vườn trái cây 9 Hồng, cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi nên dâu cho trái rất sai, chất lượng trái tốt. Do dịch bệnh COVID-19 được kềm chế nên đầu ra cho trái dâu thuận lợi, với giá cao, trung bình khoảng 12.000 đến 15.000 đồng/kg. Dù dâu bòn bon bán không có giá bằng các giống khác như dâu hạ châu, dâu xiêm, dâu xanh, nhưng ông Hoàng chọn trồng vì ưu điểm trái sai, màu sắc đẹp, thuận lợi cho việc làm du lịch. Đây cũng là sản phẩm du lịch độc đáo của nhà vườn 9 Hồng.

Từ thành công trên, có thể thấy, nếu được khai thác tốt, cây dâu Phong Điền sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn, một điểm hẹn thú vị của miệt vườn cây xanh trái ngọt. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Phong Điền, hiện tại diện tích đất trồng dâu trên địa bàn huyện là khoảng 787ha, trong đó diện tích dâu đang cho trái khoảng 775,5ha. Cụ thể, dâu xanh chiếm diện tích khoảng 88,8ha, với sản lượng 30-40 tấn trái/ha; dâu bòn bon có khoảng 27ha, sản lượng 40-60 tấn/ha; dâu xiêm có khoảng 64,4ha, sản lượng 35-40 tấn/ha; và dâu hạ châu chiếm diện tích lớn nhất với khoảng 595ha, sản lượng giống dâu này từ 20-25 tấn/ha.

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền, cho biết thêm: Trong số các hộ trồng dâu, hiện có khoảng 20 vườn dâu làm du lịch, trong đó khoảng 10 điểm là thuần phục vụ tham quan dâu, số còn lại đan xen các loại trái cây khác. Nhiều năm qua, bà con miệt vườn Phong Điền đã đa dạng các sản phẩm từ cây dâu như bán trái mang về làm quà, phục vụ tại chỗ, bán vé tham quan vườn và ăn “bao bụng” với giá khoảng 50.000 đồng/người, chế biến dâu thành các món ăn, thức uống... Nhờ đó, giá trị của cây dâu Phong Điền ngày một tăng cao, dù bị cạnh tranh không nhỏ bởi một số giống cây ăn trái giá trị khác. Ngành Văn hóa, Du lịch huyện Phong Điền cũng quan tâm quảng bá thương hiệu dâu Phong Điền, giới thiệu trong các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch; đưa vào tour, tuyến tham quan để phục vụ du khách. Đặc biệt, tại Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền - Cần Thơ được tổ chức định kỳ hằng năm, trái dâu Phong Điền được giới thiệu đậm nét, hỗ trợ miễn phí cho bà con tham gia quảng bá, bán dâu phục vụ khách tham quan.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm, từ ngày 1 đến ngày 3-6-2022 (nhằm từ mùng 3 đến mùng 5-5 âm lịch), Hội chợ Trái cây nhà nông huyện Phong Điền lần thứ I được tổ chức tại Quảng trường huyện Phong Điền đã quảng bá đặc sản miệt vườn rất ấn tượng, trong đó có trái dâu. Qua đó, trái dâu và các đặc sản từ dâu được nhiều du khách biết đến, tạo động lực cho nhà nông bảo tồn diện tích canh tác dâu, cũng như kích cầu du lịch địa phương thông qua sản phẩm độc đáo này. “Từ năm 2022 trở đi, Hội chợ này sẽ được tổ chức định kỳ vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch) hằng năm, để giới thiệu về trái cây Phong Điền, trong đó có trái dâu”, ông Tùng cho biết.

Còn nhớ cách đây khoảng 6 năm trước, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy cùng các cộng sự Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công và cho ra sản phẩm nước giải khát và nước lên men từ dâu hạ châu. Các sản phẩm bao gồm: nước ép dâu có gas, có cồn, nước ép dâu thanh trùng và vang dâu. Các loại nước uống này đã từng được giới thiệu và bán cho du khách tại một số điểm du lịch huyện Phong Điền cũng như một số địa phương khác ở TP Cần Thơ. Với kinh nghiệm phát huy đặc sản ở một số địa phương lân cận như cây sen Đồng Tháp, thanh trà Vĩnh Long, dừa Bến Tre... trái dâu Phong Điền cần thêm nhiều “tấm áo mới” như làm mứt, sấy, chế biến thêm nhiều món ăn (lẩu dâu chua, gỏi dâu...) để gia tăng giá trị nông sản. Từ đó, mở ra hướng phát triển cho người trồng dâu Phong Điền trên cơ sở du lịch nông nghiệp.

Bài, ảnh: Duy Khôi

 

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Ngày đăng 02/6/2022

Cùng chuyên mục