Hoạt động của ngành

Gia Lai: ''Đánh thức'' tiềm năng du lịch Phú Thiện

Cập nhật: 02/06/2022 05:04:12
Số lần đọc: 871
Theo lời mời của Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) Trịnh Văn Sang, tôi và Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư có một ngày trải nghiệm khá thú vị ở các “điểm nhấn” về du lịch của địa phương được xem là “tiểu đồng bằng” trên cao nguyên này.  


Cách đây trên 15 năm, khi chưa chia tách từ huyện Ayun Pa, Phú Thiện còn là một địa danh ít được biết đến, cư dân hai bên quốc lộ 25 khá thưa thớt, nghèo khó. Khi trở thành đơn vị hành chính cấp huyện (năm 2007), nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, Phú Thiện phát triển khá toàn diện, tiềm năng dần được đánh thức và khai thác, nhất là phát huy hết các thế mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.

Từ chân đèo Chư Sê về phía Đông Nam tỉnh là một vùng đất rộng, bằng phẳng thuộc thung lũng bồi đắp bởi sông Ba và sông Ayun, nơi cư ngụ của người Jrai Chor và Jrai Mthur, thường được gọi theo tên cũ là Cheo Reo với sự đa dạng, phong phú về văn hóa dân tộc bản địa. Phú Thiện là huyện địa đầu vùng Cheo Reo xưa thuộc lưu vực sông Ayun, tiếp đến là huyện Ia Pa thuộc lưu vực sông Ba và thị xã Ayun Pa-nơi giao hòa giữa sông Ba và sông Ayun. Từ đây, dòng sông Ba tiếp tục uốn lượn theo đèo Tô Na gặp vùng đất bồi Krông Pa giáp với huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên), rồi đổ ra Biển Đông qua cửa Đà Diễn.

Huyện Phú Thiện sau khi chia tách được thụ hưởng phần lớn diện tích tưới của công trình đại thủy nông Ayun Hạ (ngăn dòng năm 1994) với hồ chứa rộng 37 km2, công suất tưới gần 13.500 ha. Riêng huyện Phú Thiện đã có gần 8.000 ha lúa 2 vụ và hàng ngàn ha cây trồng khác nằm trong vùng tưới của công trình thủy lợi lớn bậc nhất Tây Nguyên này. Có thể nói, nguồn nước thủy lợi Ayun Hạ đã làm đổi thay cơ bản vùng đất khát Cheo Reo xưa. Nước sông Ayun đã làm sống dậy những vùng đất khô cằn, đem lại màu xanh và no ấm cho hàng vạn cư dân ở vùng hạ lưu. Từ đó, sự trỗi dậy của các huyện vùng Đông Nam tỉnh khá mạnh mẽ, nhất là phát triển lĩnh vực nông nghiệp với năng suất cây trồng, nhất là lúa nước tăng cao so với các tỉnh duyên hải miền Trung, đem lại cho nông dân trong vùng sự no ấm, đủ đầy.

Cánh đồng sen xã Ia Yeng là điểm hút khách du lịch. Ảnh: Vũ Chi

Không chỉ cung cấp nước tưới mà vùng hồ, đập Ayun Hạ còn là nơi nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn lợi lớn cho cả 2 huyện Chư Sê và Phú Thiện. Với một vùng hồ nước rộng trên 37 km2 kéo dài hàng chục km về phía thượng nguồn cùng với các đảo nhỏ tạo nên vùng sinh thái phong phú, cảnh quan vô cùng tươi đẹp, thoáng mát được bao quanh bởi dãy Chư A Thai như bức tường thành vững chãi. Nhiều lần trải nghiệm bằng thuyền đánh cá với ngư dân trên vùng hồ Ayun Hạ, tôi có cảm giác như lạc vào chốn thiên thai giữa cảnh vật sông núi hữu tình. Chính vì cảnh vật thiên nhiên còn hoang sơ ấy đã hấp dẫn du khách thích khám phá những vùng đất mới dọc theo con nước và núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Nếu nơi đây được đầu tư cơ bản, nhất là dịch vụ đưa đón khách, trang bị bến thuyền, tạo ra các con đường leo núi với những điểm check-in hấp dẫn, có nơi nghỉ ngơi phù hợp, nhà hàng ẩm thực với đặc sản địa phương; tổ chức một số đảo nhỏ có nơi trải nghiệm câu cá, đánh bắt cá bằng các dụng cụ truyền thống, đội ngũ nhân viên phục vụ có kinh nghiệm và nhiệt tình, nhất là người địa phương am hiểu địa bàn, phong tục tập quán của người bản địa… thì hồ Ayun Hạ sẽ là tour du lịch hấp dẫn du khách thập phương.

Chếch về phía Nam của xã Ayun Hạ ngày nay không xa, chúng ta sẽ được thưởng lãm Di tích quốc gia Plei Ơi (Vua Lửa). Nơi này được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1993. Đây là 1 trong 3 huyền tích: Pơtao Apui (Vua Lửa), Pơtao Ia (Vua Nước) và Pơtao Angin (Vua Gió) ở Tây Nguyên mà trong sử sách còn lưu truyền lại. Riêng Pơtao Apui và Pơtao Ia thì tồn tại cho đến thế kỷ XX. Sau này, nhà nhân chủng học người Pháp Jacques Dournes (1922-1993), từng sống ở Tây Nguyên 25 năm (1946-1970) trong vai trò một nhà truyền giáo đã tập trung nghiên cứu về văn hóa Jrai và các tộc người vùng Tây Nguyên. Năm 1977, ông đã cho xuất bản công trình: Pơtao-một lý thuyết về quyền lực ở người Jrai Đông Dương. Đây là công trình khá đồ sộ, nghiên cứu kỹ về thiết chế xã hội người Jrai giúp cho người đọc và những người nghiên cứu về Tây Nguyên hiểu thấu đáo quyền lực, tín ngưỡng Pơtao từ huyền thoại cho đến lịch sử. Năm 2015, lễ cầu mưa ở Plei Ơi được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa phi vật thể quốc gia. Mới đây, tại di tích Plei Ơi, trên đỉnh núi Chư Tao Yang, địa phương đã tổ chức lễ cúng cầu mưa của Pơtao Apui nhằm tái hiện, bảo tồn một tập tục văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Jrai xưa thu hút được đông đảo công chúng đến xem.  

Bên cạnh hai điểm đến nói trên, chúng tôi cũng đã về xã Ia Yeng để thưởng ngoạn đầm sen bát ngát giữa cánh đồng cò bay thẳng cánh của địa phương. Tuy mùa sen hồng đã tàn, lác đác còn sót lại những đóa sen bung nở trên đầm giữa bạt ngàn lá xanh tươi tốt tạo nên vẻ đẹp tự nhiên trong khung cảnh thanh bình của miền quê yên ả. Đây là đầm sen lớn nhất trong tỉnh do những người nông dân ở Phú Thiện tạo ra. Bên cạnh vẻ đẹp tinh khiết của loài hoa sen, từ lâu người ta đã sử dụng toàn bộ cây hoa sen để chế biến ẩm thực, vị thuốc trong Đông y với nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe. Từ sản phẩm của loài sen, họ có thể chế biến một số món ăn, thức uống cao cấp như: trà ướp sen, chè hạt sen, mứt sen… Trong bữa cơm trưa tại nhà chòi bên cạnh đầm sen xã Ia Yeng hôm ấy, chúng tôi được những người quản lý đầm sen chiêu đãi món đặc sản khai thác từ đầm này khá ngon và hấp dẫn như: ốc bươu luộc, ngó sen xào ốc, chim cu đất, cá lóc.

Các anh quản lý đầm sen cho biết, tuy chưa quảng bá rộng rãi về địa danh du lịch đầm sen ở Phú Thiện, nhưng vài năm qua, du khách vẫn đổ về đây thưởng lãm khi mùa sen nở hoa và đồng lúa vàng vào vụ gặt khoảng tháng 3 đến tháng 4. Chủ tịch UBND huyện Trịnh Văn Sang cho biết: Thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng đầu tư làm đường từ trụ sở UBND xã Ia Yeng vào đầm sen để rút ngắn đoạn đường vòng qua cánh đồng; đồng thời, kêu gọi để đầu tư phát triển dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan một cách chuyên nghiệp hơn.

Với chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với đầu tư phát triển dịch vụ-du lịch, vừa qua, lãnh đạo huyện đã có những chuyến giao lưu với các địa phương ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên để liên kết kêu gọi đầu tư vào một số lĩnh vực trong nông-công nghiệp và dịch vụ nhằm tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ, đưa đời sống người dân lên tầm cao mới.

Bùi Quang Vinh

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 01/6/2022

Cùng chuyên mục