Tin tức - Sự kiện

Cần ưu tiên du lịch là lĩnh vực trọng tâm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023

Cập nhật: 26/12/2021 10:45:00
Số lần đọc: 1108
(TITC) - Đây là một nội dung quan trọng được tổng kết qua trao đổi, thảo luận, đề xuất của các đại biểu tại phiên toàn thể của Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”.    

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó có nhiều địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước

Trình bày tham luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chia sẻ các giải pháp áp dụng theo cấp độ dịch đối với hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hoạt động du lịch. Trong đó mục tiêu cao nhất là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; đồng thời thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. 

Phát biểu tại phiên toàn thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng để du lịch phục hồi và phát triển bền vững, cần triển khai một số nhiệm vụ như chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng cao vốn đã bị tổn thương nặng nề qua đại dịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu và có năng lực cạnh tranh dựa trên tiềm năng và lợi thế của du lịch Việt Nam. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh cần phát triển loại hình du lịch văn hóa và du lịch gắn với thiên nhiên, khi văn hóa và thiên nhiên chính là 2 yếu tố nổi bật nhất trong nhóm chỉ số về tài nguyên trong năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng… nhằm kết nối thị trường khách với các điểm đến du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ phát triển du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo

Bà Ngô Hương - Tổng giám đốc Vinpearl Resort (Vingroup) cho biết, hiện tại Vinpearl đang tập trung phát triển theo 3 mục tiêu: phát triển điểm đến quốc tế; xây dựng sản phẩm mới đẳng cấp, đa dạng; xây dựng chiến lược mở cửa trong trạng thái bình thường mới. Đây sẽ là những yếu tố then chốt trong việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách đã dần thay đổi sau ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chia sẻ từ đầu cầu Hà Nội, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Thành phố hiện đang rất quan tâm đến việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thông qua triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch.

Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ thúc đẩy thu hút đầu tư; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật; đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới chất lượng cao, tích cực đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch nhằm tạo dựng nền tảng, cơ hội cho du lịch phát triển ở mức độ cao hơn.

Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra tại Hội thảo nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới. Trong đó các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022 - 2023 như: Kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn; Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới; ưu tiên lĩnh vực du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023; Thúc đẩy sớm phục hồi du lịch nội địa từ đầu năm 2022, gắn với lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn; Triển khai chứng nhận tiêm chủng vắc-xin… Về lâu dài, để phát triển du lịch, cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách phát triển du lịch; Huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu trực tuyến tại hội thảo

Phát biểu trực tuyến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ VHTTDL và tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công Hội thảo Du lịch năm 2021 rất ý nghĩa và thiết thực.

Nhắc lại sự tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng của ngành du lịch trước đại dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ chia sẻ với những tổn thất, thiệt hại mà ngành du lịch gặp phải trong đại dịch Covid-19. “Tôi cảm ơn tất cả các doanh nghiệp trong ngành du lịch và những ngành liên quan đến du lịch đã đồng hành cùng cả nước vượt qua khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tổ chức hợp tác, liên kết vùng để thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch trong những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành du lịch cần quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, đặc biệt là đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Đây là sản phẩm du lịch không chỉ bổ trợ cho các sản phẩm khác của doanh nghiệp mà còn góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, tiếp cận văn minh thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, từ đó lan tỏa hình ảnh Việt Nam thân thiện, hấp dẫn đến với bạn bè quốc tế. Để làm được việc này cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương, sự liên kết giữa các doanh nghiệp để đầu tư, hướng dẫn và kết nối giữa các cộng đồng du lịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cùng với các ngành khác cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 vì chỉ khi an toàn và kiểm soát dịch bệnh tốt mới có thể sẵn sàng mở cửa hoàn toàn đối với thị trường quốc tế - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao những tham luận, đề xuất của các đại biểu tại hội thảo ngày hôm nay, đồng thời cho biết Ủy ban sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những chính sách, cơ chế và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.

Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung đề xuất để xem xét, thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung các nội dung liên quan tới du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, sớm hoàn thiện và tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, phù hợp với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023.

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét bổ sung nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch vào Chiến lược chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tới năm 2025, định hướng tới 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” là hoạt động nằm trong Chương trình hành động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Chương trình công tác năm 2021. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó có kết nối với các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang…

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT