Cao Bằng tổ chức xúc tiến điểm đến “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” tại Hà Nội
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương; các doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch; các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía tỉnh Cao Bằng có Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh; Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội năm 2023 cùng đại diện các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố thuộc tỉnh Cao Bằng.
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch - dịch vụ là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là công viên thứ 2 ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Cao Bằng hội tụ nhiều yếu tố để hình thành và phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao như: du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch đô thị, du lịch ban đêm như: phố đi bộ Kim Đồng. Đặc biệt, Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) kỳ vọng sẽ trở thành Khu du lịch kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh và bền vững.
Toàn cảnh Chương trình xúc tiến điểm đến Non nước Cao Bằng. Ảnh: TITC
Cao Bằng có vị trí kinh tế - chính trị quan trọng của vùng Đông Bắc. Tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương đầu tư và đang trong quá trình triển khai, mở ra điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với các trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước, phát triển giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch Cao Bằng nắm bắt thời cơ bứt phá và phát triển bền vững. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đón trên 5 triệu lượt khách, tăng 98% so với giai đoạn 2011 - 2015; doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng; tăng trưởng du lịch bình quân đạt 25,8%.
Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, những năm qua, tỉnh triển khai một số cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng; chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại chương trình. Ảnh: TITC
Chương trình xúc tiến điểm đến “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” được tổ chức là sự tiếp nối các hoạt động thúc đẩy xúc tiến, quảng bá của tỉnh, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển ngành du lịch tỉnh Cao Bằng nói riêng, cả nước nói chung. Thông qua chương trình này, Cao Bằng mong muốn nhận được nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận từ các đại biểu tham dự và sẽ có nhiều dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư du lịch sẽ hình thành và phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị: Cao Bằng cần tiếp tục phát huy các sản phẩm, chương trình, tuyến, điểm du lịch hiện có; đồng thời, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên huyện, liên tỉnh mới, tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch qua biên giới; xây dựng các gói kích cầu du lịch có chất lượng, có tính cạnh tranh so với các điểm đến khác.
Cao Bằng cần lấy hạt nhân là các sản phẩm du lịch gắn liền danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp; hợp tác chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và địa phương hướng tới thị trường khách quốc tế, thu hút du khách đến với Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu và các đại biểu điều hành phiên thảo luận. Ảnh: TITC
Đồng thời nâng cao nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và trục kết nối liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở; Chủ động kết nối tích hợp dữ liệu vào các nền tảng số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam như: ứng dụng Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel, nền tảng số https://vietnam.travel/ và các mạng xã hội du lịch Việt Nam trên Facebook, Instagram, Youtube…
Tại chương trình, các đại biểu đã nghe tham luận về các sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương như: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng - mô hình phát triển du lịch xanh, bền vững; Tiềm năng và triển vọng phát triển của Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh) và phát biểu đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất hữu ích để du lịch Cao Bằng quảng bá thương hiệu “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bứt phá, bền vững hơn trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin du lịch