Hành trang lữ khách

Cây Blang - biểu trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Cập nhật: 13/04/2021 08:13:53
Số lần đọc: 880
Trong vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông có cánh rừng hoa Blang nằm ở núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Loài cây này gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người M’nông và được chọn làm biểu trưng của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Cây Blang hay còn gọi là cây gạo có hoa màu đỏ, hạt có nhiều lông và mọc ở nhiều nơi rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Nguyên. Loài cây Blang mọc ở núi lửa Nâm Blang không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn có giá trị về mặt địa chất. Bởi, núi lửa Nâm Blang có chiều dài gần 10.000 m với hơn 50 hang động lớn nhỏ.

Người M'nông ở xã Nam Nung (Krông Nô) tổ chức Lễ Tâm Blang Mprang bon

Bà con vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông mong muốn chính quyền các cấp khôi phục, làm sống lại cánh rừng hoa Blang- một biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, mang ý nghĩa tinh thần.Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, tại hệ thống hang động này, các nhà khoa học đã tìm thấy di cốt của người tiền sử. Mặt khác, trong quá trình đi điền dã sưu tầm các truyền thuyết, tên gọi và đặc trưng của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, các thành viên, cán bộ chuyên trách đã tiếp xúc với rất nhiều các già làng, người có uy tín ở vùng Krông Nô và ghi chép được truyền thuyết xoay quanh, được thể hiện trong sử thi (Ót Ndrong) của người M’nông.

Ót Ndrong nói rằng: Thời xa xưa khi cả thế giới chịu sự ngự trị của thần linh thì ở trên núi Nâm Nung có một bộ tộc tên là Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người. Chúng hay vào bon làng quấy phá, bắt người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trong rừng Nâm Nung có nhiều cây cối cổ thụ hàng triệu năm tuổi như Tơm Chri (cây dao), Krắk ndan (sồi ba cạnh) và cả cánh rừng Blang nở hoa đỏ rực bao phủ các hang động. Thần Blang cùng với các vị thần khác như thần Trăh, thần Ning sẵn sàng che chở, bao bọc dân làng thoát khỏi sự truy lùng của ma rừng và thú dữ.

Múa xoang tại Lễ Tâm Blang Mprang bon

Đặc biệt, nơi đây còn có một ngọn núi có thể phun ra lửa và có rất nhiều hang động mà con người có thể tránh mưa nắng cũng như thú dữ. Vì thế, mỗi khi bị ma rừng tấn công, người dân trong bon liền kéo nhau vào rừng ẩn nấp dưới bóng cây Blang. Con ma rừng không sợ bất cứ thứ gì nhưng khi nhìn thấy loại cây có lớp vỏ sần sùi màu đỏ thẫm chứa nhiều gai nhọn thì lập tức biến mất.

Từ đó, người M’nông tin rằng Blang là cây thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh sẵn sàng bảo vệ, che chở dân làng. Về sau, khu vực núi này được bà con M’nông đặt tên là Nâm Blang (núi hoa Blang) nay thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô).

Từ đó trở về sau, để tạ ơn thần Blang và các vị thần khác đã che chở, bảo vệ bon làng, cứ 3-5 năm một lần, bà con M’nông Préh khu vực Krông Nô lại nô nức tổ chức lễ hội Tâm Blang Mprang bon (lễ trồng cây Blang cúng rào bon). Trong lễ hội, đồng bào dựng cây nêu ngay tại đầu bon và làm lễ dâng cúng thần. Bên cạnh cây nêu có cây cột lễ bằng thân cây Blang, trên đầu đẽo hình con chim R’ling và có nhiều hoa trang trí.

Một số nơi luôn trồng bên cạnh một cây Blang non, nếu cây Blang đó phát triển tốt thì chắc chắn những lời cầu nguyện cả bon làng năm đó sẽ thành hiện thực. Mỗi cây Blang mọc lên sẽ nhắc nhở con cháu đời sau phải biết ơn thần Blang và nhất thiết phải gìn giữ truyền thống văn hóa mà cha ông để lại.

Với ý nghĩa về mặt văn hóa lẫn địa chất, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang xây dựng hồ sơ Lễ Tâm Blang Mprang bon trình Bộ VHTT-DL xem xét, công nhận là lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khi được công nhận, Lễ Tâm Blang Mprang bon sẽ được tổ chức hàng năm và đây là một sự kiện du lịch vào mùa hoa Blang nở, mang đậm dấu ấn CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

 
Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục