Hành trang lữ khách

Chốn bình yên trong ngôi làng cổ ít người biết ở Hà Nội

Cập nhật: 19/06/2020 07:57:47
Số lần đọc: 845
Ngôi làng cổ xây bằng đá ong tồn tại hàng trăm năm nay ở ngoại thành Hà Nội là địa điểm du lịch, thăm quan lý thú nhưng không nhiều người biết đến. 

 


Làng cổ Yên Trường (Chương Mỹ, Hà Nội) với lịch sử hàng trăm năm.

Bên cạnh tập tục lạ, ngôi làng này còn được nhắc đến như chốn bình yên, đậm chất làng quê đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình và những mảng tường đá ong đầy hoài niệm.

Những người cao tuổi trong làng cho biết, không rõ làng có gốc tích từ năm nào, chỉ biết cách đây hàng trăm năm, nơi đây đã gắn liền với câu chuyện về di tích Bãi Pháo, Bãi Giỗi - nơi Hai Bà Trưng đánh giặc.

Nằm ngay sát con đường lớn, dẫn ra quốc lộ nhưng khi đặt chân vào làng, du khách dễ dàng cảm nhận được không khí thoáng đãng, yên ả. 

Đầu làng là ngôi đình cổ, chiếc hồ lớn và cây đa.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở đây là những bờ tường bằng gạch đá ong vàng đậm như mật mía, đôi chỗ nhuốm màu rêu phong. Người thợ xưa đã khéo léo xếp những viên gạch khít vào nhau đến từng chi tiết, kết dính chúng bằng hỗn hợp từ mật mía và một số phụ gia.


Ngôi nhà cổ 3 gian, 2 chái trong làng Yên Trường.

Đến nay, sau hàng trăm năm, những bức tường vẫn vững chãi, chưa có dấu hiệu mủn, vỡ.

Viên gạch xây tường có kích thước đều nhau, hình thù giống với các lỗ của tổ ong, cấu tạo chủ yếu là đất đá nên chúng được gọi là gạch đá ong.

Loại vật liệu này mang đặc điểm: Xốp, rỗng, có tác dụng giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Viên gạch xây tường có kích thước đều nhau, hình thù giống với các lỗ của tổ ong, cấu tạo chủ yếu là đất đá nên chúng được gọi là gạch đá ong.

Loại vật liệu này mang đặc điểm: Xốp, rỗng, có tác dụng giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Những ngôi nhà được xây bằng đá ong ở đây mang đặc trưng kiến trúc nhà vườn Bắc bộ, với nhà 3 gian 2 chái và khoảng sân rộng trước mặt.

Xưa kia, khoảng sân này là nơi tập trung con cháu trong gia đình mỗi khi giỗ chạp, vừa là nơi phơi thóc khi vào mùa gặt.

Lý giải nguyên nhân nhiều ngôi nhà và tường bao ở đây được làm bằng đá ong, một cụ cao niên cho biết, vì đây là nguồn nguyên liệu sẵn có dưới nền đất của làng.

Chỉ cần đào sâu xuống dưới lớp đất là có. Loại vật liệu này, nếu gặp không khí sẽ khô rất nhanh.

Ông Trịnh Văn Hùng - người dân Yên Trường cho hay: “Ngày xưa, dân làng chỉ cần tìm đúng ‘mỏ’ đá ong, đào lên là đủ gạch xây. Bây giờ, do khai thác qua nhiều năm tháng, nguồn nguyên liệu này cũng không còn bao nhiêu nữa”.

Chạy dọc con ngõ nhỏ, ta còn bắt gặp những cánh cổng cổ kính, thiết kế mái vòm.

Trên mái vòm là biểu tượng bức cuốn thư. Tất cả các cánh cổng cổ có điểm chung là thấp, phù hợp với chiều cao của người Việt ngày xưa. 

Một trong những cảnh đẹp khác của làng Yên Trường là đình Yên Trường, thờ đức thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh.

Đình tọa lạc trên bãi đất cao, phía trước mặt là chiếc hồ lớn, quanh năm xanh mát.

Mặc dù có vẻ đẹp đến nao lòng, khiến ai đặt chân đến cũng bồi hồi thương nhớ. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là hiện nay, làng chưa thu hút được khách du lịch. 

Việc phát triển du lịch tại địa phương còn mang tính chất manh mún, tự phát. 

Thông tin với VietNamNet, ông Trần Văn Hiển - Chủ tịch xã Trường Yên cho biết: "Việc định hướng, phát triển làng du lịch ở đây gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều đầu tiên là thiếu kinh phí, cái thứ 2 liên quan đến vấn đề bảo tồn.


Đình Yên Trường tọa lạc trên bãi đất cao, phía trước mặt là chiếc hồ lớn.

Cụ thể là: Số lượng nhà cổ bằng gỗ và nhà cổ bằng đá ong hiện nay không còn nhiều, do các gia đình đông con, khi con trưởng thành, bố mẹ phá nhà chia đất, cho con cái".

Ông Hiển cũng cho biết, trong tương lai, kế hoạch phát triển làng Yên Trường thành làng du lịch như một số địa phương khác vẫn còn bỏ ngỏ. 

Nguồn: Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục