Du lịch sinh thái ở Thanh Hóa: Tiếng gọi từ thiên nhiên hoang dã
Pù Luông hấp dẫn nhờ cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Giữa những ngày tháng 6 nắng bủa vây khắp chốn, thì Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chẳng khác nào cái điều hòa tự nhiên khổng lồ, giúp giải nhiệt mùa hè. Pù Luông vài năm gần đây được du khách đặc biệt ưu ái và dành cho nhiều lời khen có cánh, thậm chí được ví như Sa Pa của Tây Bắc hay Đà Lạt của Tây Nguyên. Vậy, điều thú vị gì từ cái kho tàng được thiên nhiên dày công bài bố sắp đặt này, đã hấp dẫn du khách nhiều đến vậy? Trải rộng trên diện tích 17.662 ha, Pù Luông “vắt” qua 2 huyện vùng cao Quan Hóa và Bá Thước. Khu bảo tồn thiên nhiên này còn giữ một hệ rừng nguyên sinh nhiệt đới thường xanh theo mùa, cùng một hệ động thực vật phong phú cả về số lượng và chủng loại. Đây là điều kiện lý tưởng cho những du khách muốn khám phá thiên nhiên hoang dã.
Pù Luông có khí hậu tương đối ôn hòa, vốn là lợi thế riêng có cho du lịch nghỉ dưỡng núi vào mùa hè nóng nực. Đồng thời, còn một hệ thống sông suối, thác nước và hang động kỳ thú, đủ khiến dân phượt thứ thiệt phải ngỡ ngàng, thích thú. Thêm một điều khá thú vị là, rất nhiều dòng suối, thác nước và hồ chảy xuống từ các dãy núi cao, đều hội tụ về sông Mã – dòng sông mẹ lớn nhất chảy dọc qua xứ Thanh. Trong lòng Pù Luông còn có những điểm đến được ví như “vườn treo trên cao”, với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và sự hài hòa đồng điệu với đời sống cộng đồng, như các bản Son, Bá, Mười, Kho Mường. Đồng thời, khu bảo tồn này còn có các đỉnh Pù Luông, Pù Rinh kỳ vĩ chẳng khác nào những bức vách tự nhiên, chắn lại những tác nhân bên ngoài và giữ cho Pù Luông vẻ huyền bí ngàn đời. Đồng thời, “lá phổi xanh khổng lồ” án ngữ ở phía Tây xứ Thanh này đã giúp điều hòa khí hậu, làm sạch bầu không khí, bảo vệ nguồn nước để dưỡng nuôi sự sống.
Với nguồn tài nguyên tự nhiên dồi dào, lại thêm bầu không khí mát mẻ dễ chịu tỏa ra dưới tán rừng nguyên sinh mướt mát là điểm cộng lớn nhất của Pù Luông. Tất cả đủ để khơi gợi niềm hứng khởi trải nghiệm các loại hình du lịch thú vị như leo núi mạo hiểm, khám phá hang động, thác nước, nghỉ dưỡng sinh thái, sinh thái - cộng đồng... Với cảnh sắc tươi đẹp, nơi cây cối làm mành, núi non làm vách, gió rừng làm nhạc, nắng làm trang sức và lúa vàng điểm tô sắc màu no ấm lên sự sống bình yên và thư thả. Ở đó, con người có thể tạm thoát ra ngoài cuộc sống đua chen ồn ả và tâm hồn như cũng được gột rửa cho tươi mới, tĩnh tại. Nhờ các lợi thế riêng có ấy mà Pù Luông đang trở thành điểm đến 4 mùa, nhưng lý tưởng nhất vẫn là những ngày hè oi ả nắng.
Đặc biệt hơn, du khách đến Pù Luông vào thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6 này, sẽ được trải nghiệm bức tranh “mùa vàng Pù Luông” tuyệt đẹp. Những thửa ruộng bậc thang đương vào độ chín, trông xa như dải lụa uốn lượn, nhấp nhô và xếp chồng lên nhau giữa lưng chừng núi. Sắc vàng rực rỡ là nét điểm tô xinh đẹp từ bàn tay con người vào bức vẽ tự nhiên, nổi bật giữa những vạt rừng xanh ngút ngàn. Pù Luông mùa lúa chín có lẽ là khoảnh khắc nó trổ hết vẻ đẹp trù phú và mộng mơ nhất. Thậm chí, nó được ví như “thiên đường giữa đại ngàn”, mà nếu đã một lần bắt gặp sẽ chẳng thể nào lãng quên. Bởi, khi đứng trước bức họa kỳ diệu ấy, giữa thời khắc chiều tà, có cảm giác như cánh đồng định lên tiếng nói gì đó. Hoặc cũng có thể nó chẳng bao giờ nói, mà mặc cho con người tự hiểu như cách chúng ta cảm thụ những giai điệu bất tận của âm nhạc vậy.
Không riêng gì Pù Luông, xứ Thanh còn được bậc thầy tạo hóa nhào nặn, tạo tác, tô vẽ cho nhiều cảnh sắc tươi đẹp. Đó ví như những “kho vàng xanh”, mà những điều đã và đang được khám phá mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Vậy nên, nếu du khách vẫn chưa thỏa mãn với điểm đến Pù Luông, thì xứ Thanh còn nhiều đại diện xuất sắc không thể bỏ qua là Vườn Quốc gia Bến En và Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Có dịp ngược thượng nguồn sông Khao vào ngày đầy nắng hay giữa tiết trời lất phất mưa, du khách sẽ có được một lần trải nghiệm khó quên. Sông Khao vốn là nơi hợp dòng của hàng chục con suối dọc biên giới Việt - Lào, lấy Bát Mọt làm điểm đầu rồi đổ vào Việt Nam. Nơi đây còn tồn tại một trung tâm đa dạng sinh học nguyên sơ và hùng vĩ, mang tên Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Như cái tên của nó, Xuân Liên là nơi sự sống luôn căng đầy và bền bĩ, với nhiều cá thể sa mu dầu, pơ mu, thông tre có tuổi thọ trên nghìn năm và nhiều động vật quý hiếm, đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Trải nghiệm rừng kín lá thường xanh á nhiệt đới Xuân Liên có lẽ sẽ dành cho những người có kiến thức về loài, kỹ năng đi rừng và nhất là muốn gia tăng hiểu biết hoặc phục vụ học tập, nghiên cứu về môi trường sống hoang dã.
Xuân Liên có những “đỉnh mây” Pù Gió, Pù Ta Leo, Pù Hòn Hàn quanh năm bảng lảng mây khói. Ở độ cao trên 1.400m, 1.500m, đó được ví như những vọng xuân lâu, có thể bao quát dưới tầm mắt “tấm bản đồ sự sống” ngút ngàn sắc xanh. Đặc biệt hơn, nằm trong lòng Xuân Liên là một “thảm nước” khổng lồ màu ngọc bích, sâu hun hút: hồ Cửa Đạt. Thả thuyền trôi chậm trên mặt hồ, cảm giác như đang đi giữa bàn cờ chơi dở của tạo hóa, mà con cờ là những ngọn núi cao thấp, được sắp đặt một cách sống động và đầy khoái hoạt. Chưa hết, nếu đến Xuân Liên mà chưa một lần qua thác Mù ngắm cảnh nước vọt xuống từ 7 tầng núi; hay chèo thuyền, vượt núi tìm đến những hang Tình, hang Quan, hang Vua đẹp say lòng người, thì quả là đáng tiếc. Rồi khi thả thuyền nán lại trên lòng hồ, thư thả ngắm nhìn cảnh sắc non nước hữu tình, sẽ không gì thú vị hơn là được hớp chén rượu cay ngọt, thưởng thức miếng cá tươi ngon thấm gia vị và ăn kèm với rau rừng. Đó hẳn sẽ là khoảnh khắc con người cảm nhận được thế nào là sống chậm và sống giản đơn để hạnh phúc.
Non cao hùng vĩ, vực sâu trêu người, đại ngàn thác đổ, hệ sinh thái đa dạng... Đó là di sản mà thiên nhiên đã dày công kiến tạo và ban tặng cho con người. Để đến lượt mình, con người đã chắt lọc lấy tinh hoa của đất trời mà tạo ra “thiên nhiên thứ hai” thuộc về cộng đồng mang tên bản sắc văn hóa. Thiên nhiên luôn có ngôn ngữ riêng để lên tiếng khẳng định quyền năng, giá trị, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nó trước con người. Song, thiên nhiên cũng dùng trí tưởng tượng của con người để nâng tác phẩm sáng tạo của mình lên những tầm cao mới. Để rồi, khám phá vẻ đẹp huyền bí và đầy sức hút của thiên nhiên, cũng ví như thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chân chính vậy. Con người không chỉ dựa vào sở thích, hứng thú, đam mê để trải nghiệm; mà còn cần cả sự hiểu biết và tôn trọng, nhằm bảo vệ ngôi nhà thiên nhiên cho sự phát triển bền vững của chính xã hội loài người. Và nếu tự thân thiên nhiên đã là một vẻ đẹp, thì sẽ chẳng cần thêm nhiều ngôn từ để tô vẽ. Điều du khách cần không gì khác là đôi mắt để cảm nhận và tâm hồn rộng mở để đón lấy những vẻ đẹp khiến ta rung động mà thôi./.