Tin tức - Sự kiện

Chống dịch Covid-19: Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, sử dụng các biện pháp mạnh xử lý dịch

Cập nhật: 27/07/2020 08:07:37
Số lần đọc: 595
(TITC) - Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 diễn ra vào sáng ngày 25/7, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an và các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thời gian qua khi Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch, đã xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là và chưa thực hiện đầy đủ các khuyến cáo, quy định về phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và của Bộ Y tế.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng (bệnh nhân 416). Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng chỉ đạo tại Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác. Đối với các trường hợp nhiễm bệnh mới trong cộng đồng, các diễn biến mới của dịch bệnh cần xử lý bình tĩnh, kiên quyết với các biện pháp phù hợp.

Triển khai các biện pháp mạnh, khoanh vùng xử lý dịch trên địa bàn Đà Nẵng

Đối với Đà Nẵng, nơi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới trên địa bàn, Thủ tướng chỉ đạo Thành phố xem xét áp dụng ngay các biện pháp mạnh, phù hợp trong phòng, chống dịch, xác định chính xác các khu vực, phạm vi cần phong tỏa, cách ly, bảo đảm gọn, hẹp, hạn chế các tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly tập trung, xét nghiệm, giám sát y tế đối với các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân 416 và các bệnh nhân khác (nếu có). Chỉ đạo các nhà thuốc trên toàn thành phố thông báo đến các cơ sở y tế qua đường dây nóng các trường hợp mua, sử dụng thuốc điều trị cảm cúm, hạ sốt để tiến hành xét nghiệm nhanh vi rút SAR-CoV-2.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ: Y tế, Công an, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông xem xét cử ngay cán bộ tăng cường, hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng thực hiện hiệu quả việc xử lý phòng, chống dịch tại Thành phố. Bộ Y tế thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ chỉ đạo để hỗ trợ Đà Nẵng xét nghiệm, cách ly, xử lý dịch; khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng bằng phương thức phù hợp; cử các chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin như Ncovi, Bluzone để phát hiện, truy vết các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, trước hết sử dụng các biện pháp mạnh, sử dụng công nghệ truy vết trên diện rộng tại Thành phố Đà Nẵng.

Trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tập trung tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây; kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch.

Thực hiện nghiêm việc kiểm soát các trường hợp nhập cảnh

Song song với việc khoanh vùng xử lý dịch, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát các trường hợp được nhập cảnh vào Việt Nam. Tiếp tục tổ chức tốt việc thực hiện cách ly, bảo đảm thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đủ thời gian theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, coi các trường hợp nhập cảnh trái phép như các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để áp dụng các biện pháp cách ly y tế và xử lý theo quy định. Tổ chức, doanh nghiệp khi mời các chuyên gia, nhà đầu tư, đưa lao động tay nghề cao vào làm việc tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là tại các đường mòn, lối mở, cửa khẩu; tăng cường việc kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án khẩn trương xem xét, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc nhập cảnh trái phép, trước hết là tại Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thông tin kịp thời, bảo đảm răn đe, phòng ngừa chung; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục có biện pháp phù hợp hỗ trợ các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng, hoạt động đầu tư, thương mại. Công bố quy trình, thủ tục và thực hiện công khai minh bạch việc hỗ trợ các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc, khảo sát cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức người Việt Nam, công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, bị kẹt ở nước ngoài và các trường hợp đặc biệt khác... được về nước.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT