Non nước Việt Nam

Chùa cổ Đông Khê

Cập nhật: 08/03/2022 08:52:07
Số lần đọc: 898
Chùa Đông Khê (Sùng Nghiêm tự) là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lý, vào khoảng cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII. Chùa tọa lạc ở giữa làng Đông Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội).


Chùa mang kiến trúc hình chữ Công, gồm tòa tiền đường và thượng điện nằm song song với nhau, nối giữa là ống muống. Tiền đường mang kiến trúc kiểu 5 gian, 2 dĩ, 4 góc mái tạo đầu đao cong. Trên mái lợp ngói ri cổ - loại có mũi nổi tạo hình nửa bông hoa cúc mãn khai. Nhìn từ bên ngoài, tòa tiền đường thấp do 4 mái xòe ra chiếm 2/3 độ cao của chùa. Ba gian giữa lắp cửa gỗ dạng bức bàn, 2 dĩ được làm hai cửa phụ dạng vòm cong, nhỏ và thấp nhưng ngưỡng cửa lại làm cao với dụng ý khách hành hương bước qua ngưỡng cửa phải tỏ lòng cung kính dâng lên Tam bảo.

Tòa ống muống gồm 3 gian kiểu nhà dọc với 2 mái chảy. Kết cấu bộ vì được làm công phu, tỉ mỉ với đầu các rường nách được tạo khối nổi hình mây, cách nhau bởi các đầu kè chạm hình cánh sen. Một số rường cột chạm đầu rồng cách điệu hình chim, có niên đại thế kỷ XIX. Các đấu kê được tạo hình hoa sen mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII. Tòa thượng điện gồm một gian lớn và 2 dĩ, trang trí hoa văn chủ yếu là họa tiết mây, hoa cúc, hoa sen... biểu hiện cho sự thanh cao của nhà Phật.

Trong chùa Đông Khê hiện còn lưu giữ hệ thống tượng Phật truyền thống của một ngôi chùa theo phái Đại thừa. Gian bên trái thượng điện bài trí tượng Nguyên phi Ỷ Lan - người có công dạy dân nghề dệt lụa Đông Khê nổi tiếng. Phía trước là tượng Quan Âm Nam Hải được tạo tác mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Hai bên ống muống bài trí tượng Thổ địa, Giám trai, Thập điện Diêm vương có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX.

Ngoài ra, tại chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý giá như hoành phi, câu đối gỗ sơn son thếp vàng; một quả chuông lớn cao 103cm, đường kính miệng 79cm; một khánh đồng có niên đại đời vua Thiệu Trị có ghi chữ “Sùng Nghiêm tự”; một bát hương Thổ Hà niên đại thời Nguyễn; một bia đá đặt trong khuôn viên đình...

Ngoài giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, chùa Đông Khê còn là di tích cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), chùa là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Việt Minh và nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Phía sau chùa hiện còn dấu tích giao thông hào có từ thời kháng chiến chống Pháp.

Năm 2008, chùa Đông Khê được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Thủy Hương

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT