Chùa Monivongsa Bopharam (Cà Mau) – Nét văn hóa độc đáo
Có thể nói chùa Monivongsa Bopharam là một ngôi chùa đẹp, mang đậm lối kiến trúc của một ngôi chùa Phật giáo Nam tông, chủ thể chính được thờ tự trong chùa là những tượng Phật Thích Ca với nhiều hình dạng khác nhau như Phật đảng sinh, Phật tu khổ hạnh, Phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, Phật nhập niết bàn,….Mỗi ngôi tượng Phật là một sắc thái khác nhau đem đến cho người tham quan một cảm giá như xuôi về quá khứ để hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời của Đức Phật.
Toàn bộ kiến trúc của chùa là một màu vàng rực vô cùng độc đáo với mái vòm vút cao, mỗi góc cột đều có hình tượng tiên nữ đứng đội mái vòm. Những hình tượng đắp nổi xuất hiện luân phiên và xuyên suốt trong từng mảng kiến trúc. Chùa có chánh điện cao 32m, có nhà hội dành cho các sư sãi, nhà ở của các sư, phía sau có các tháp cốt được điêu khắc tỉ mẩn và xung quanh có nhiều bức tượng được đặt theo từng vị trí tương xứng với cảnh quang của chùa. Khi bước vào chùa, ấn tượng nhất là bức tượng Phật “khổng lồ” nằm ngang sân chùa thể hiện phần nào sự uy nghi và bề thế của chùa. Vào sâu khuôn viên chùa là những cảnh đẹp rất đỗi nên thơ và tĩnh lặng với nhiều cây xanh, ao sen, am thờ,….
Vào trong chánh điện, một điểm vô cùng đặc biệt trong ngôi chùa là những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường. Nội dung chủ yếu của những bức tranh tường này là kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi tu thành đạo hạnh hay những câu chuyện để răn đe con người đừng phạm vào những điều ác và làm trái với luân lí đạo đức ở đời. Khách du lịch khi đến với chùa vào những dịp bình thường ngoài việc tản bộ khắp khuôn viên chùa, ngắm cảnh đẹp lộng lẫy chùa, thắp nhang cầu nguyện những điều an lành sẽ đến với mình, họ còn có thể làm bạn và cho chim bồ câu ăn. Những chú chim ở đây có đến hàng trăm con, chúng rất dạng dĩ và thường hay nô đùa với khách khi họ đến viếng chùa càng tạo thêm không khí gần gũi và ấm áp cho những ai đến viếng chùa. Sẽ rất là thú vị khi chúng ta tự thưởng cho chuyến đi dạo, cúng viếng và chiêm ngưỡng chùa Monivongsa Bopharam trong một ngày đẹp trời.
Như chúng ta đã biết, người Khmer luôn luôn gắn bó đời sống của mình với ngôi chùa và gửi gắm vào đó những niềm tin về một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cho nên đối với họ, ngôi chùa rất là quan trọng phản ánh rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer trong giai đoạn mà họ đang sống. Chùa Monivongsa Bopharam cũng như vậy. Hàng năm, vào những dịp lễ hội đặc sắc của người Khmer như Chol Chnam Thmay, Đol Ta, Ok Om Bok,…họ đều tập hợp về chùa cùng nhau tổ chức cúng kiến và vui chơi trong suốt các kì lễ hội. Những hoạt động lễ hội đặc sắc và ấn tượng này đã trở thành tâm điểm, có sức hút lớn và lôi kéo các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau cùng nhau tham dự.
Những lễ hội của người Khmer diễn ra ở chùa thường kéo dài suốt đêm và trong nhiều ngày. Trong những ngày lễ, nhất là ban đêm, chùa đông nghịt tín đồ, khách khứa. Hàng quán mọc lên đầy sân chùa. Sinh hoạt vui chơi như đá cầu, ném tạ ăn tiền, nhảy lưới, giấu khăn, bịt mắt bắt dê, đánh đáo, kéo co, thả đèn gió,… và các lễ đọc kinh, cầu nguyện kéo dài tới 2, 3 giờ sáng mới chấm dứt, rồi lại tiếp tục đến ngày hôm sau. Lễ hội cũng thường gắn với các hình thức văn nghệ truyền thống của dân tộc. Nghệ thuật cổ truyền của người Khmer như sân khấu truyền thống Dù Kê, Rô Băm, múa dân gian như Sarikakeo, Saravan, Rom vông được các nghệ nhân chuyên nghiệp, hoặc nghiệp dư đua tài biểu diễn. Các buổi trình diễn văn nghệ này mang bản sắc văn hoá dân tộc và khẳng định ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Thường thì khách du lịch đến tham quan chùa vào dịp lễ hội có thể cùng với họ ăn những thức ăn mà người dân mang đến cúng chùa, cùng tham gia những trò chơi và hòa điệu vào những điệu múa của người Khmer trong không khí tưng bừng của lễ hội cho đến thâu đêm suốt sáng.
Người Khmer sinh ra, lớn lên và cho đến khi từ giã cõi đời đều gắn bó với chùa. Lúc nhỏ họ vẫn thường đến chùa để vui chơi, con trai khi đủ 12 tuổi thì đến chùa để tu rèn luyện tài năng, đạo đức và trí tuệ để làm người có ích cho buôn sóc. Trai gái khi đến tuổi dựng vợ gả chồng thì gặp gỡ và trao duyên cho nhau vào những dịp lễ hội được tổ chức ở chùa. Khi về già và nhắm mắt họ lại được người thân hỏa táng và đem gửi tro cốt vào chùa. Ngôi chùa Monivongsa Bopharam chính là một mảng tâm linh đẹp thể hiện rõ nét khí chất và niềm kiêu hãnh của người Khmer trong cộng đồng các dân tộc ít người của tỉnh Cà Mau.
Nếu có dịp đến với Cà Mau, khách du lịch hãy chọn chùa Monivongsa Bopharam là điểm đến để hòa điệu với không khí linh thiêng và sống động của chùa để thấy được những tình cảm ấm áp và trân quý mà người dân Khmer dành cho ngôi chùa của họ./.