Nét đẹp đình làng (Thanh Hóa) – biểu tượng văn hóa làng, xã Việt
Cùng với cây đa, bến nước, hình ảnh mái ngói, sân đình từ lâu đã khảm sâu vào tâm hồn người Việt những kỷ niệm không thể nào quên. Những đứa con sinh ra từ làng, cho dù đôi chân có trải qua bao nhiêu miền đất hứa, vẫn luôn đau đáu nhớ về mái đình làng vẫn cùng lũ bạn tha thẩn chơi đùa suốt cả tuổi thơ. Nếu ví văn hóa làng, xã Việt như một bức tranh thủy mặc với đủ đầy những yên bình, dung dị thì đình làng chính là nét chấm phá đặc sắc nhất, nổi bật nhất. Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng quyền lực làng, xã xưa mà trở thành biểu tượng cho văn hóa làng, xã Việt.
Các thiết chế văn hóa làng, xã ở xứ Thanh cũng không nằm ngoài những quy luật tất yếu của làng, xã Việt. Chính bởi vậy, đình làng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình, vun đắp nên giá trị tốt đẹp của văn hóa làng, xã xứ Thanh. Ở xứ này, tự bao đời đã lưu truyền trong dân gian câu nói: “Đình huyện Tống, trống Nga Sơn”. Huyện Tống ấy nay là huyện Hà Trung, quê hương của những ngôi đình cổ nổi tiếng không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà trên phạm vi cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Hà Trung có 28 ngôi đình đã được xếp hạng. Trong đó có 3 ngôi đình được xếp hạng cấp quốc gia và 25 ngôi đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mỗi một di tích đình làng ở huyện Hà Trung đều mang trong mình những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc vừa đại diện cho cái chung của thời đại lại vừa gắn với từng giai đoạn hình thành và phát triển riêng biệt của làng, xã.
Là Di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia (năm 2000), đình Gia Miêu (làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung), nơi thờ thành hoàng làng Nguyễn Công Duẩn – một công thần thời Bình ngô vệ quốc, có nhiều công trạng được Vua Lê Thái tổ phong làm Thái Bảo Hoành Công. Đình Gia Miêu là một công trình kiến trúc gỗ được vua Gia Long cho xây dựng để tưởng nhớ ơn tiên tổ và cũng là một món quà cho cố hương. Đình kiến trúc theo hình chữ Đinh với phần mái xòe rộng, kéo dài, lan xuống thấp và các đầu đao lại cong vút lên trông tựa như một con thuyền. Tòa Đại Đình gồm 5 gian chính và 2 gian chái (7 gian). Bộ mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc trang trí công phu: Hình mặt nguyệt ở giữa, hai bên là rồng chầu đắp nổi chạy tỏa ra 4 góc mái. Trên đỉnh của những nóc mái này là những đầu rồng đắp nổi, được diễn tả theo tư thế cổ rồng vươn lên cao. Các hoa đao nhấp nhô, đường mái uốn lượn như những cánh sóng, tạo cảm giác chuyển động trên nền của một không gian tĩnh lặng. Những người quan sát ở những góc nhìn khác nhau vẫn trông thấy sự thay đổi hiện ra trong bản thân khối hình kiến trúc. Hệ thống “chồng rường kẻ bẩy” là đặc trưng cơ bản về kiểu liên kết chính trong một vì kèo. Bên cạnh những độc đáo trong kết cấu kiến trúc, đình Gia Miêu còn tinh xảo trong nghệ thuật trang trí. Cảm hứng sáng tạo chủ yếu là các linh vật, nổi bật là tứ linh và một số con vật gần gũi với đời sống của con người được linh thiêng hóa. Một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở đình Gia Miêu có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất. Sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc là đặc điểm bao trùm của toàn bộ công trình. Ở đây, ngoài những dụng công trong nghệ thuật kiến trúc ra thì vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc được thể hiện ở các mảng chạm khắc dày đặc trên các đầu kẻ bẩy, các bức cốn mê đến các con rường... Những mảng chạm khắc ấy đã làm tròn chức năng thẩm mỹ, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của đình. Rõ ràng sự gia công của trí tuệ con người đã nâng hiệu quả bố trí không gian bên trong và kết cấu hình khối bên ngoài ngôi đình lên cao trên cả ba hình diện nghệ thuật, kỹ thuật và tư tưởng.
Đình Động Bồng (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung) cũng là một trong những ngôi đình thời Nguyễn tiêu biểu trong nền kiến trúc đình cổ xứ Thanh. Kiến trúc đình theo hình chữ nhất với kiểu mái cong, gồm 4 mái. Kiểu kiến trúc này làm cho ngôi đình được nâng lên thanh thoát nhẹ nhàng, cảm giác như bay bổng. Đặc biệt, những trang trí trên mái của ngôi đình đã tạo nên sự hòa quyện nhịp nhàng giữa nghệ thuật kiến trúc với vẻ đẹp thiên nhiên. Hình tượng con rồng trên các đầu đao cong vút lên gợi cảm giác như bay lên rất phù hợp với thế chung của kiến trúc. Lớp ngói mũi hài có hình trang trí ở cả hai mặt xếp chồng lên hài hòa đẹp mắt. Trang trí diềm mái được chạm khắc hình chiếc lá ba chẽ, mô típ lá nho. Trên bờ nóc, bờ dải, đầu kìm của mái cong được trang trí các linh vật như hình con sấu, hình đầu rồng... tạo nên sự hòa quện một cách hợp lý làm cho mái đình càng thêm đẹp đẽ. Về bố cục, kiến trúc bên trong được chia thành hai phần chính: Vì chính là vì kèo mái diêm. Kết cấu vì kèo chính gồm 6 vì giống nhau hoàn toàn về kiểu liên kết, chủ yếu là theo lối chồng rường. Các con rường nằm ngang được tạo tác giống nhau và được ăn mộng vào những cột trốn. Những cột trốn này được kết hình nghệ thuật hóa thành những hình nậm rượu, chúng chỉ khác nhau về kích thước, to ở phía dưới và nhỏ dần về phía trên theo chiều cao của mái đình. Cấu tạo vì kèo là một bộ khung gỗ hình chữ nhật gồm 4 hàng chân cột, hai hàng cột lớn và hai hàng cột quân. Chức năng của cột lớn là để cho quá giang ăn mộng vào hai đầu. Cột cái được làm bằng loại gỗ tứ thiết, kích thước lớn đường kính rộng tới 42cm, hệ thống cột đình còn tương đối nguyên vẹn, to đẹp, hiếm thấy trong hệ thống đình chùa.
Những giá trị to lớn về mặt lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc, đặc biệt là giá trị về mặt đời sống tinh thần mà ở mỗi ngôi đình nơi đây còn lưu giữ và phát triển cho đến hôm nay với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, các trò chơi dân gian, truyền thống, văn nghệ, lễ hội, diễn xướng... Tuy nhiên, hiện nay, trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của hệ thống đình làng trên địa bàn huyện Hà Trung đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Anh Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hà Trung bày tỏ những trăn trở: Thực tế cho thấy, khi đời sống xã hội, quá trình đô thị hóa phát triển không ngừng đã làm cho giá trị của đình làng ở nhiều địa phương bị giảm sút, các giá trị văn hóa của đình làng dần mai một. Hiện nay, các hoạt động cộng đồng như lễ hội dân gian, trò chơi truyền thống... gần như không còn được tổ chức ở đình làng như trước kia mà chuyển về nhà văn hóa thôn, tiểu khu có không gian lớn hơn và hiện đại hơn. Điều này khiến cho đình làng chỉ còn là cái bóng của thời gian, giá trị vốn có chỉ còn trong trang sách hay những hình ảnh được lưu giữ trước đó. Trải qua sự biến thiên của thời gian, nhiều ngôi đình hiện đã xuống cấp, nếu không kịp thời trùng tu, tôn tạo sẽ đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. Ngoài ra, tình trạng trùng tu không dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo tồn vốn cổ đã ít nhiều phá hỏng diện mạo, kết cấu của những ngôi đình cổ có giá trị cao về lịch sử - văn hóa, kiến trúc - mỹ thuật. Anh Tùng nhận định: Đình làng là bảo tàng lịch sử lớn, là nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc quý giá, phản ánh cuộc sống hiện thực xã hội đương thời cũng như phản ánh tình yêu, ước mơ, mong muốn của người dân. Đình làng vừa có giá trị vật chất lại vừa có giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc. Để bảo tồn, phát huy và làm sống dậy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với di tích lịch sử văn hóa đình làng trên địa bàn huyện Hà Trung thực sự là bài toán khó cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, tổ chức có chuyên môn, thẩm quyền và sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân./.