Chuyên trang du lịch nước ngoài ca ngợi vẻ đẹp bất tận của Việt Nam
Vịnh Hạ Long. (Nguồn: TTXVN)
Bài viết cho rằng du lịch được coi là một ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam. Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một loạt chính sách quan trọng liên quan đến việc tạo thuận lợi về thị thực và cải thiện môi trường phát triển du lịch nhằm phát triển hơn nữa ngành du lịch của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới.
Việt Nam được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á với tổng cộng 15,5 triệu lượt khách du lịch ghé thăm trong năm 2018, tăng 20%.
Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất xét về lượng khách du lịch đến từ Bắc Á (gần 5 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc, tăng 23,9%; 3,5 triệu lượt khách đến từ Hàn Quốc, tăng 30,4%; 827.000 đến từ Nhật Bản, tăng 3,6%), cũng như các thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Âu (298.000 lượt khách đến từ Anh, tăng 5,1%; 280.000 lượt khách đến từ Pháp, tăng 9,5%; từ Nga là 606.000, tăng 5,7% và từ Đức là 214.000, tăng 7,1%).
2018 là năm có rất nhiều sự kiện quan trọng về du lịch. Ngành du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018” tại lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” tại lễ trao Giải thưởng Golf Thế giới (World Golf Awards).
Hội nghị Thượng đỉnh Du lịch đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 5 và 6/12/2018 tại Hà Nội. Sự kiện chào đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu vào ngày 18/12/2018 cũng là một hình ảnh quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam.
Những yếu tố giúp khẳng định Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang là tiền đề để ngành du lịch của Việt Nam trở thành một ngành kinh tế chủ chốt của đất nước.
Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, với một loạt sản phẩm du lịch đa dạng - không chỉ là nền văn hóa và lịch sử độc đáo, mà còn về các món ẩm thực tuyệt vời, những bãi biển xinh đẹp cũng như nhiều sản phẩm du lịch mạo hiểm khác.
Quan trọng hơn, Việt Nam là một quốc gia hiểu được tầm quan trọng của lòng mến khách và có lực lượng lao động có trình độ để hỗ trợ đầu tư. Dọc theo đất nước hình chữ S, văn hóa, thiên nhiên và lòng hiếu khách của người dân được kết hợp với nhau để góp phần xây dựng nên nhiều điểm đến du lịch như Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Tràng An (Ninh Bình), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đồng bằng sông Cửu Long, đảo Phú Quốc...
Khách du lịch có thể tham gia nhiều hoạt động du lịch trong năm tại các hòn đảo và bãi biển tuyệt vời cũng như tận hưởng vẻ đẹp văn hóa lâu đời của Việt Nam.
Theo kế hoạch đề ra cho năm 2019, Tổng cục Du lịch tiếp tục duy trì khẩu hiệu “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” nhằm mục đích thúc đẩy phát triển các tài sản văn hóa và ven biển, đồng thời tổ chức "Năm Du lịch Quốc gia 2019-Nha Trang, Khánh Hòa”./.