Hoạt động của ngành

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Thừa Thiên Huế cần chủ động làm mới và phát huy hiệu quả liên kết “Con đường Di sản miền Trung”

Cập nhật: 18/09/2023 10:38:06
Số lần đọc: 629
(TITC) - Sáng ngày 17/9, tại TP. Huế, Hiệp hội Du lịch phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị “Kết nối Du lịch Huế 2023” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dự và phát biểu tại hội nghị.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế Đinh Mạnh Thắng cho biết, trong hai ngày vừa qua, Hội Lữ hành và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tổ chức cho lãnh đạo các công ty lữ hành Thừa Thiên Huế và các địa phương trên cả nước đi khảo sát các tuyến điểm, trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc sắc của Thừa Thiên Huế, đồng thời tổ chức chương trình B2B, gặp mặt giao lưu. Qua dịp này, các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch, dịch vụ, các chương trình tuyến điểm phù hợp. Đặc biệt các bên đã thống nhất hợp tác, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến.

Ông Thắng mong rằng hội nghị sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để đưa ra các giải pháp cụ thể cho ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch có điều kiện hoạt động một cách có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, những năm qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những điều kiện khách quan để đạt được kết quả khả quan.

“Tỉnh mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác với các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước. Việc liên kết hợp tác theo nhiều hình thức để phát triển du lịch sẽ cho phép khai thác, phát huy được những lợi thế về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác của địa phương; góp phần giải quyết những vấn đề đang còn trăn trở của du lịch Cố đô. Tỉnh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp để góp phần thúc đẩy du lịch Thừa Thiên Huế”, ông Bình nhấn mạnh.

Đánh giá rất cao tiềm năng của du lịch Huế, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu..., cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm từ xưa để lại. Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm: rừng núi - vùng đồi - đồng bằng - đầm phá - biển.

Trong những năm qua, Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế, xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên Huế…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế Đinh Mạnh Thắng phát biểu tại hội nghị

Để du lịch Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất với các tỉnh lân cận, đặc biệt là liên kết 5 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, có sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư để hình thành các tour tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch.

Cục trưởng đề nghị Thừa Thiên Huế trong mối liên kết hợp tác với Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam xem xét khôi phục tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” - một sản phẩm đã từng tạo nên thương hiệu của du lịch miền Trung, đã được khởi động từ cách đây 20 năm. Hướng phát triển tới là nên làm mới và bổ sung thêm sản phẩm, dịch vụ để tăng tính độc đáo, phù hợp trong bối cảnh mới.

Tỉnh cần xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội có lợi thế của Thừa Thiên Huế để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Cục trưởng đánh giá cao thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó đặc biệt là Festival Huế. Thành công của những sản phẩm du lịch độc đáo này là có sự gắn kết chặt chẽ với yếu tố văn hóa đặc trưng riêng có của Thừa Thiên Huế. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút cả du khách nội địa và tiếp cận thị trường khách quốc tế.

Tăng cường các hoạt động chuyển đổi số trong du lịch theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch. Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động du lịch nói riêng. Tỉnh cần tận dụng cơ hội này để tạo nên hệ sinh thái dịch vụ du lịch trên cơ sở các nền tảng công nghệ.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng, dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như tài nguyên, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi… nhưng lượng khách đến Thừa Thiên Huế còn ít chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, do vậy cơ cấu lại thị trường khách, đa dạng hóa sản phẩm là điều rất quan trọng. Cục trưởng cũng đề nghị cùng với những nỗ lực của ngành du lịch, chính quyền địa phương tiếp tục có sự quan tâm để có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp du lịch.

Khẳng định Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam luôn đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương khác trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh hi vọng, những nỗ lực kết nối, hợp tác du lịch sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị 

Thông tin về du lịch Huế, đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết, 9 tháng năm 2023, khách du lịch ước đạt 2,4 triệu lượt khách, tăng 61% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 745 nghìn lượt, tăng 629,4% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Top 10 thị trường khách quốc tế đến Huế gồm: Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (TQ), Pháp, Anh, Úc, Đức, Hàn Quốc và Hà Lan.

Thời gian qua, với mục tiêu từng bước phục hồi ngành Du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của khách du lịch, Sở Du lịch đã chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành những văn bản có tính định hướng cao, giải pháp cụ thể rõ ràng để các cơ quan, ban ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh phối hợp cùng triển khai thực hiện nhằm phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tâm linh... nhằm thu hút khách du lịch. Tỉnh cũng đang xây dựng chính sách ưu đãi cho đơn vị lữ hành, hãng hàng không, đại lý du lịch tàu biển tổ chức tour charter, tàu biển đến Huế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ, đóng góp ý kiến để du lịch Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển, trong đó tập trung vào các nội dung về liên kết, hợp tác tour tuyến, xây dựng sản phẩm du lịch mới, đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, tăng cường các hoạt động chuyển đổi số trong du lịch…

Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị 

Thay mặt ngành du lịch tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo và góp ý về các giải pháp phát triển du lịch Huế thời gian tới. Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ cùng nhau tìm các giải pháp khắc phục, hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh xây dựng và hoàn thiên các sản phẩm dịch vụ có tính độc đáo, đẳng cấp, khác biệt cũng như các hình thức hiệu quả tiếp cận, quảng bá truyền thông đến các thị trường, cộng đồng du khách và các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước.

Trọng tâm là triển khai Kế hoạch số 243/KH-UBND tổ chức cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 82/NQ-CP. Xây dựng đề án nghiên cứu “Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Triển khai Đề án “Truyền thông, xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam.

Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Các doanh nghiệp lữ hành khảo sát sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Trước đó, từ ngày 15-17/9, khoảng 90 doanh nghiệp lữ hành, hội lữ hành trong cả nước về Huế để tham gia chương trình famtrip Huế “Kinh đô xưa - trải nghiệm mới” nhằm tham quan, khảo sát, đánh giá các tour tuyến, điểm du lịch ở Huế.

 

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 18/9/2023

Cùng chuyên mục