Hoạt động của ngành

Đà Lạt: Hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng

Cập nhật: 27/06/2019 08:25:20
Số lần đọc: 3015
Ðà Lạt có gần 2.000 doanh nghiệp hoạt động du lịch, nhưng nguồn nhân lực làm việc đông nhất là ở các nhà hàng, khách sạn. Chỉ cần 1 khách sạn ra đời có thể làm biến động nhân lực ở các khách sạn khác. Nguyên nhân một phần vì chưa đủ nguồn nhân lực, mặt khác do chất lượng nguồn nhân lực không ổn định. Ðể học sinh - sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay ở vị trí được tuyển dụng thì doanh nghiệp đồng hành với nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch là nhu cầu thiết thực.


Cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Ảnh: L.Hoa

Cơ hội việc làm trong ngành du lịch được nhận định là không thiếu. Chẳng hạn, hệ thống Mường Thanh có 60 khách sạn quy mô trên cả nước và đang thiếu nhân lực. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động lại không hề dễ dàng vì kỹ năng của người cần tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu. Thực tế hiện nay là, khi tuyển dụng lao động, các cơ sở hoạt động du lịch đều phải đào tạo lại. Theo bà Trương Thị Châu - Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Đà Lạt cho hay: Ý thức làm việc rất quan trọng, nhưng kỹ năng cần phải được đào tạo ngay từ ban đầu. 

Xác định trong ngành du lịch thì lý thuyết được học tại nhà trường nhưng trải nghiệm thực tế phải tại các nhà hàng, khách sạn, khu - điểm du lịch. Do đó, trong những năm qua, Trường Cao đẳng Du lịch luôn chú trọng công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp giữa nhà trường với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Cụ thể, hằng năm, nhà trường đều phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp để giới thiệu các chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghiệp vụ du lịch... Chỉ riêng năm 2018, Trường đã hợp tác với nhiều đơn vị tại Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông bồi dưỡng nghiệp vụ cho 935 lao động.

Nhà trường còn phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình nghiệp vụ, phối hợp tham gia đào tạo, phối hợp đưa học sinh - sinh viên đi thực tế; đồng thời, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, theo dạng cấp chứng chỉ đào tạo quốc gia với thời gian đào tạo 300 giờ (trong đó có 70% thời lượng chương trình là thực hành và tích hợp). Cũng với công tác phối hợp, người học sau khi hoàn thành chương trình đã được các doanh nghiệp tiếp nhận và bố trí việc làm đúng với chuyên ngành với tỷ lệ trên 85%.

Ông Trần Đình Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt cho biết: Doanh nghiệp tham gia cùng đào tạo với nhà trường có hiệu quả hay không, thể hiện ở chất lượng làm việc của học sinh - sinh viên mới ra trường, khả năng đáp ứng nhu cầu tại vị trí làm việc, ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp của học sinh - sinh viên. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại? Và, mặc dù, điều kiện học tập, sinh hoạt, cơ sở vật chất của nhà trường rất tốt, nhưng số lượng học sinh - sinh viên chưa nhiều?

Để giải quyết 2 vấn đề mấu chốt trên, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt bàn bạc với doanh nghiệp, đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, có các chương trình phối hợp hỗ trợ, đào tạo nghề du lịch trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, chế biến món ăn, pha chế... Đồng thời, kiến nghị tỉnh mở tuyến xe buýt ngang qua trường để thuận tiện cho học sinh - sinh viên đi học. Trường cũng giới thiệu chương trình học đến các trường phổ thông, dân tộc nội trú trên địa bàn nhằm giới thiệu và thu hút học sinh học nghề du lịch.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực quảng bá bằng cách tổ chức các cuộc thi tay nghề cho học sinh - sinh viên, tạo điều kiện cho các em có cơ hội được các cơ sở kinh doanh du lịch biết và thu nhận; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển chọn, tuyển dụng nhân sự cho các dự án; định hướng tiêu chuẩn sinh viên du lịch; theo sát sinh viên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp; doanh nghiệp cần đánh giá khách quan chất lượng sinh viên thực tập và thông tin lại cho nhà trường. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn cần được xác định, không phải để trường có sinh viên - doanh nghiệp có nguồn nhân lực; mà phải hướng đến những thị trường lao động cao cấp trong khu vực và thế giới; đồng thời, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển trong đào tạo nghề du lịch./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục