Điện Biên: Hướng đến phát triển du lịch cộng đồng
Ðội văn nghệ bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) biểu diễn giao lưu văn nghệ với du khách
Bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) là 1 trong 10 bản văn hóa trên địa bàn tỉnh được đầu tư, xây dựng để phục vụ khách du lịch. Ðến đây, du khách được tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Ghé thăm Homestay Phương Ðức ở bản Che Căn, chúng tôi cảm nhận được sự hào hứng của du khách khi trải nghiệm chơi các trò chơi dân gian, tìm hiểu phong tục tập quán của người Thái nơi đây. Bạn Nguyễn Phương Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Ðây là lần thứ 2 tôi lên Ðiện Biên nhưng chơi các trò chơi dân gian như thế này thì đây là lần đầu tiên. Khi được tham gia trải nghiệm, tìm hiểu phong tục tập quán của bà con ở đây, được hòa mình vào không khí náo nhiệt, trực tiếp tham gia chế biến các món ẩm thực với người dân, tìm hiểu về trang phục, nhạc cụ hay thưởng thức các món ăn dân dã... tôi cảm thấy rất thú vị. Ðây sẽ là những trải nghiệm thực sự hấp dẫn và khó quên đối với tôi”.
Homestay Phương Ðức là cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đầu tiên do người dân bản địa thực hiện ở xã Mường Phăng. Ðây là mô hình lưu trú phục vụ khách du lịch với các dịch vụ thân thiện, như: ăn, ở, ngủ, nghỉ và trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên ngay trong cộng đồng dân cư. Anh Lò Văn Ðức, chủ Homestay Phương Ðức chia sẻ: Ðây là mô hình du lịch mới mẻ nên khi thực hiện, chúng tôi còn rất lúng túng và bỡ ngỡ. Song được Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hỗ trợ, tư vấn cùng với tìm hiểu một số Homestay ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, gia đình tôi đã mạnh dạn nâng cấp hai ngôi nhà sàn kề nhau, xây dựng thêm các công trình phụ, mua sắm trang thiết bị đủ phục vụ gần 50 du khách ăn, ở trong ngày.
Không chỉ Homestay Phương Ðức, hiện nay nhiều bản văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, như các bản: Mển (xã Thanh Nưa), Ten (xã Thanh Xương), Co Mỵ, Hoong Lếch Cang (xã Thanh Chăn)… Nhận thấy ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nhiều hộ gia đình ở các bản văn hóa đã chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động như: Cải tạo và vệ sinh nhà ở, khôi phục các nghề thủ công truyền thống, tham gia các hoạt động để đón và phục vụ khách du lịch…
Trao đổi về việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện nay, tỉnh có 10 bản văn hóa, bên cạnh đó còn có sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc và nhiều lễ hội truyền thống… là những lợi thế quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng. Xác định đó là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thời gian gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung phát triển một số mô hình Homestay nhằm phục vụ khách lưu trú, cung cấp dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Ðồng thời, đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho nhân dân tại các bản. Ðể phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; ngành cũng chú trọng tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch, tạo cơ hội cho người dân làm chủ, đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên văn hóa…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, dù có nhiều lợi thế nhưng hoạt động du lịch cộng đồng ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, như: Các dịch vụ về ẩm thực, văn nghệ còn trùng lặp, chưa phong phú, đa dạng; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thiếu đồng bộ, vệ sinh môi trường chưa giải quyết triệt để; nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một... Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc; tích cực quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Ðiện Biên; đặc biệt là du lịch cộng đồng, trải nghiệm thực tế tại các bản, làng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì đó là hướng đi cần thiết và quan trọng nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, khai thác tốt các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến với Ðiện Biên.