Đà Nẵng: Bảo vệ di tích, nền tảng bền vững cho du lịch văn hóa
Với lợi thế là đô thị hiện đại song vẫn còn nhiều di tích mang giá trị lịch sử và văn hóa, Đà Nẵng đang từng bước đầu tư cho công tác bảo tồn nhằm tạo điểm tựa phát triển du lịch theo chiều sâu. Nhiều công trình, di tích lịch sử tiêu biểu đang được trùng tu, tôn tạo đúng quy chuẩn, vừa giữ nguyên kiến trúc gốc, vừa đảm bảo phù hợp với không gian đô thị hiện đại.
Song song với đó, thành phố cũng chú trọng kết nối các di tích vào tour tuyến du lịch, tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn thuyết minh để tăng tính tương tác. Đặc biệt, các chương trình giáo dục di sản cho học sinh và cộng đồng được triển khai thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ di tích từ gốc rễ.
Việc lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống vào sản phẩm du lịch giúp Đà Nẵng không chỉ hút khách bởi cảnh quan, dịch vụ mà còn bởi chiều sâu văn hóa. Đây là hướng đi phù hợp, giúp thành phố xây dựng hình ảnh điểm đến văn minh, bản sắc và phát triển du lịch bền vững trên nền tảng gìn giữ di sản.
Mặc dù vậy, một số di tích hiện vẫn chưa được nâng cấp, tôn tạo kịp thời. Đơn cử trong số đó, Thành Nam Chơn - một di tích quân sự có tuổi đời hơn 200 năm, gắn liền với những dấu ấn đầu tiên của lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp tại Đà Nẵng là một địa chỉ đỏ điển hình cần được bảo tồn đúng cách. Thành Nam Chơn nằm tại làng Chơn Sảng xưa, nay thuộc phường Hải Vân (thành phố Đà Nẵng).
Vị trí “tựa sơn, vọng thủy”, một bên dựa vào dãy Hải Vân, một bên nhìn ra vịnh Đà Nẵng khiến khu vực này từ sớm được chọn làm cứ điểm phòng thủ trọng yếu trong hệ thống bảo vệ phía nam kinh thành Huế. Đại diện bộ môn Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng, làng Chơn Sảng có thể đã hình thành từ thế kỷ XVII, còn tên gọi Nam Chơn từng là một trong bảy nhà trạm (thuộc hệ thống “thất trạm”) thời chúa Nguyễn trên tuyến thiên lý Bắc-Nam.
Sang thời Nguyễn, Nam Chơn từ trạm dịch được nâng thành đồn phòng thủ. Nằm trên trục chiến lược từ Hải Vân Quan, Chơn Sảng, Định Hải, Câu Đê, Điện Hải đến Phước Ninh, Thạc Gián, đồn Nam Chơn không chỉ là điểm gác án ngữ, mà còn là mắt xích vận chuyển hậu cần. Chính nơi đây, hai cuộc tập kích quân Pháp vào cuối thế kỷ XIX đã khắc tên Nam Chơn vào lịch sử chống ngoại xâm.
TP. Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn các tài nguyên lịch sử, văn hoá. (Ảnh minh hoạ).
Ngoài ra, vào năm 1886, tại chính địa điểm này, phong trào Cần Vương tiếp tục đánh dấu chiến công hiển hách. Đêm 28/2, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Duy Hiệu, 300 nghĩa quân ém quân từ làng Nam Ô, vượt eo biển Hải Vân tập kích trạm Chơn Sảng. Toàn bộ toán công binh Pháp bị tiêu diệt. Nghĩa quân ta rút lui an toàn. Hai trận đánh cách nhau gần 30 năm nhưng cùng khẳng định vị trí đặc biệt của đồn Nam Chơn trong giai đoạn đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đại diện bộ môn Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Cả hai trận đều mang ý nghĩa lớn, bởi khi quân Pháp nổ súng ở Đà Nẵng, đây là nơi đầu tiên họ phải chấp nhận thất bại. Những chiến công tại Nam Chơn góp phần làm chậm lại bước tiến xâm lược, buộc Pháp phải chuyển hướng đánh vào Nam Kỳ”.
Hiện đồn Nam Chơn vẫn còn dấu vết của hai nền thành và hệ thống hào phòng thủ, phần lớn nguyên trạng, nhưng lại đang bị cỏ cây và bụi thời gian che lấp. Từ năm 2012, sau khi hơn 120 hộ dân là bệnh nhân phong tại khu vực Làng Vân được di dời về đất liền, khu vực này được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái phía tây thành phố. Thành Nam Chơn nằm trong vùng quy hoạch, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Đại diện bộ môn Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhận định, di tích này nếu được phục dựng đúng hướng sẽ là điểm đến độc đáo, thu hút du khách quan tâm đến lịch sử, văn hóa. Vị đại diện phản đối các đề xuất di dời di tích hoặc xây dựng mô hình ảo 3D thay thế: “Mô hình 3D chỉ nên là công cụ hỗ trợ. Nếu không giữ được chứng tích gốc, sau một thời gian sẽ mất đi cả sức hấp dẫn lẫn giá trị lịch sử”.
Chung quanh đồn Nam Chơn là chuỗi các địa danh gắn với chiều dài lịch sử vùng đất này: Hải Vân Quan, đường Thiên lý bắc-nam, hầm đường bộ Hải Vân, làng biển Nam Ô, pháo đài Định Hải, thành Điện Hải… Tất cả tạo nên một không gian di sản liền mạch, có thể phát triển thành cụm du lịch văn hóa-lịch sử mang dấu ấn riêng của Đà Nẵng.
Đại diện bộ môn Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng việc khởi công Khu phức hợp Du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân hồi tháng 6 vừa qua là cơ hội để tích hợp bảo tồn di tích vào không gian du lịch mới và “không thể để thành Nam Chơn tiếp tục bị quên lãng ngay trong lòng một khu du lịch hiện đại”.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết: Đồn Nam Chơn đã được đưa vào danh mục kiểm kê, bổ sung tư liệu để hướng tới việc xếp hạng và bảo tồn lâu dài. Mô hình 3D có thể được triển khai như tư liệu hỗ trợ, nhưng không thay thế thực thể di tích; đồng thời khẳng định: “Quan điểm của thành phố là phải bảo tồn đồn Nam Chơn và khai thác đúng giá trị, gắn với phát triển du lịch.
Khu di tích Hải Vân Quan trở thành điểm đến của nhiều du khách khi tới Đà Nẵng. (Ảnh: TT).
Trước đó, thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3072/QĐ-UBND về Đề án “bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu của Đề án là hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, đảm bảo cảnh quan môi trường hài hòa, phục vụ phát huy giá trị di tích; quy hoạch các di tích tiêu biểu của thành phố. Thí điểm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho 05 di tích có khả năng phát triển du lịch để đáp ứng đủ điều kiện công nhận là điểm đến theo quy định của Luật Du lịch.
Bên cạnh đó, hoàn thành việc số hóa các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được công nhận; bản đồ di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng. Lựa chọn 01 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 01-02 nghệ nhân được xét tặng là Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Về kinh phí thực hiện Đề án, sẽ từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vận động tài trợ hợp pháp khác.
Đẩy mạnh bảo tồn di tích không chỉ là trách nhiệm với quá khứ, mà còn là bước đi chiến lược để Đà Nẵng định hình tương lai du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Khi những giá trị lịch sử được trân trọng và phát huy đúng cách, thành phố không chỉ tạo thêm điểm đến hấp dẫn mà còn góp phần nuôi dưỡng bản sắc địa phương trong lòng du khách. Chính sự kết hợp hài hòa giữa gìn giữ và khai thác sẽ giúp Đà Nẵng vững bước trên hành trình phát triển du lịch văn hóa một cách lâu dài và hiệu quả.
Quỳnh Trâm