Hoạt động của ngành

Đà Nẵng đón nhận nhiều tin vui về di sản văn hóa

Cập nhật: 20/04/2021 14:01:11
Số lần đọc: 4076
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 06 Bảo vật quốc gia, 06 di sản phi vật thể trong danh mục Di sản quốc gia; 17 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 60 di tích cấp thành phố.

 

Di tích cấp thành phố Bảo tàng Điêu khắc Chăm

 

Từ đầu năm 2021, thành phố Đà Nẵng đón nhận nhiều tin vui về di sản văn hóa. Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 02 bảo vật quốc gia là tượng Ganesha và tượng Gajasimha đang được Bảo tàng Điêu khắc Chăm lưu giữ, bảo quản; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn; UBND thành phố ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ, Cụm di tích lịch sử Nam Ô và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. 

Tượng Ganesha vừa được công nhận Bảo vật quốc gia

 

Mỗi di sản đều mang trong mình nhiều câu chuyện về lịch sử và văn hóa thú vị. Trong đó phải kể đến Cụm di tích lịch sử Nam Ô bao gồm: đình Nam Ô, lăng Ông, dinh Âm Linh, nghĩa trủng Nam Ô, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, giếng Lăng vừa được chính quyền tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích cấp thành phố vào ngày 27-3-2021. Hiếm có địa bàn nào như Nam Ô, hội tụ các dấu ấn tiến trình lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, một vùng đất không rộng nhưng chứa trong mình hàng chục di tích với mật độ cao, đa dạng loại hình như kiến trúc, danh thắng, khảo cổ, một làng nước mắm di sản, lễ hội cầu ngư cũng như những câu chuyện hàng ngàn năm gắn với dòng sông Cu Đê hiền hòa và cửa biển, bãi biển nên thơ.

 

Đình làng Nam Ô

 

Đối với di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ - đây là di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ duy nhất đến thời điểm này tại Đà Nẵng được xếp hạng di tích cấp thành phố, gắn liền với Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm (giai đoạn 2). Đây là di tích của ít nhất ba ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, đến nay có niên đại khoảng 1.000 năm, được đánh giá là tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, đồng thời là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. 

 

Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ

 

Về công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và đề nghị UBND thành phố bổ sung vốn để đủ điều kiện khởi công trùng tu 11 công trình di tích; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị khởi công Dự án di dời Bảo tàng Đà Nẵng về trụ sở 42 Bạch Đằng dự kiến trong tháng 5/2021; chuẩn bị đầu tư Dự án trùng tu, tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2); phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và dự kiến khởi công công trình trùng tu di tích quốc gia Hải Vân Quan vào tháng 5/2021; tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn dự kiến trong tháng 6/2021.

 

Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng – điểm đến thu hút khách du lịch trong thời gian qua

 

Thời gian đến, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới; hoàn thiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Nhà cổ dân gian truyền thống giai đoạn 2021 – 2025 và danh mục các bia, biển tưởng niệm cần trùng tu, tôn tạo, xây mới; đồng thời hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích các cấp và nghiên cứu tổ chức các hoạt động phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần bổ sung nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá.

 

Lễ hội truyền thống Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn

 

Việc xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa được các cấp chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm, các điểm du lịch như di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm,… đã trở thành điểm đến, biểu tượng của thành phố được du khách và người dân lựa chọn. Các hoạt động văn hóa như: Hô hát Bài Chòi, Tuồng xuống phố, Tuồng học đường, Lễ hội truyền thống Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Cầu ngư,… dần dần gắn liền với tiềm thức, trở thành một phần của văn hóa tinh thần của mọi người, góp phần phát triển thương hiệu thành phố sự kiện lễ hội.  

 

Đoàn công tác Sở VHTT đi khảo sát, kiểm tra di tích quốc gia Hải Vân Quan

 

Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao chú trọng nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm mới, kết nối các di sản văn hóa trở thành các tour du lịch để phục vụ du khách muốn tìm hiểu hiểu, nghiên cứu hành trình Di sản Đà Nẵng nhằm đưa Di sản đến với công chúng, với du khách, đặc biệt mình phải hướng đến cộng đồng, chung tay trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản đó. Qua đó làm lan tỏa các giá trị của di sản, khuyến khích cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, phát huy di sản thành phố, phát huy nét độc đáo của các di sản văn hóa lịch sử làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, níu chân du khách. Như vậy, Di sản văn hóa ở Đà Nẵng mới trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn, tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

HUYỀN TRÂM

 

Nguồn: Sở VHTT Đà Nẵng

Cùng chuyên mục