Hoạt động của ngành

Hà Giang: Quản Bạ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 22/04/2021 08:12:08
Số lần đọc: 744
Huyện Quản Bạ gồm 13 xã, thị trấn với nhiều thắng cảnh, như: Cổng trời; núi Đôi ; động Lùng Khúy; cổng thành Cán Tỷ; Thạch Sơn Thần… Hiện nay, huyện có 2 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 9 nhà nghỉ, 31 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay, trên 100 nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó có 2 điểm du lịch (DL) được UBND tỉnh công nhận đạt cấp tỉnh là: Động Lùng Khúy, xã Quản Bạ và Khu nghỉ dưỡng cao cấp H’Mông Village, xã Cán Tỷ; Làng văn hóa DL cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ được Tổng thư kí và Bộ trưởng DL các nước Đông Nam Á chứng nhận đạt tiêu chuẩn Homestay ASEAN.

Ngoài ra, du khách đến với Quản Bạ sẽ được hòa mình để trải nghiệm các hoạt động lễ hội truyền thống và thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương. Riêng trong 3 tháng đầu năm có gần 40 nghìn lượt khách DL lưu trú và không lưu trú đến tham quan tại các điểm DL trên, trong đó khách quốc tế khoảng 300 người.

Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Hoàng Đình Phới, cho biết: Với mục tiêu đến năm 2025, DL Quản Bạ có tốc độ tăng trưởng khá; đóng góp của DL, thương mại cho nền kinh tế đạt từ 30% trở lên; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL được đầu tư đồng bộ; sản phẩm DL đa dạng, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên, có tính chuyên nghiệp và tính cạnh tranh cao; 100% chủ cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng được tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, nấu ăn, giao tiếp tiếng Anh; đón trên 500.000 lượt khách đến với huyện… Huyện Quản Bạ tăng cường phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về DL nhằm từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng dân cư mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm phục vụ DL, không trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về phát triển DL.

Tập trung lãnh, chỉ đạo xây dựng và lấy Làng văn hóa DL cộng đồng Nặm Đăm làm trung tâm, phát triển thêm các làng văn hóa dân tộc Bố Y, Mông, Tày, Dao tại các thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến; Khố Mỷ, Bản Thăng, xã Tùng Vài; Nà Sài, xã Đông Hà; Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn làm vệ tinh hỗ trợ cùng phát triển. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc nhà ở, trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, nghề thủ công... tại các làng văn hóa nhằm tạo ra sự khác biệt đặc trưng của mỗi làng. Hàng năm, xây dựng kế hoạch, dành nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức các giải thể thao, như: Leo núi, dù lượn, đua ô tô, mô tô, xe đạp địa hình, đua thuyền và thường xuyên tổ chức các lễ hội, ngày hội văn hóa truyền thống của các dân tộc cấp huyện, cấp xã nhằm thu hút khách DL tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao nhận thức về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng các món ăn dân tộc, đặc sản địa phương; nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác và thương hiệu sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của người dân, đồng thời phục vụ phát triển DL; tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm tại các thị trường trong và ngoài nước. Đổi mới hình thức, nội dung quảng bá, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến DL đến với du khách trong và ngoài nước…/.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục