Hoạt động của ngành

Đà Nẵng hình thành nhiều tuyến phố không sử dụng tiền mặt

Cập nhật: 18/08/2023 11:54:18
Số lần đọc: 495
Một trong những nỗ lực của chính quyền thành phố Ðà Nẵng nhằm tạo thuận lợi cho người dân, du khách trong giao dịch không cần sử dụng tiền mặt là đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch. Thanh toán trực tuyến bằng quét mã QR, sử dụng ví điện tử tại nhiều tuyến phố du lịch, hệ thống chợ đã mang lại rất nhiều thuận tiện cho người dân, du khách.


Khách du lịch thanh toán trực tuyến bằng quét mã QR ở Lễ hội ẩm thực Việt Nam-Quốc tế Ðà Nẵng 2023.

Mới đây, phố đi bộ và chợ đêm An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) được triển khai hình thức thanh toán trực tuyến bằng quét mã QR, sử dụng ví điện tử. Ðây là phố du lịch có đông du khách nước ngoài lưu trú, du lịch và trải nghiệm ẩm thực. Nhiều chủ cửa hàng ăn uống, giải khát tại khu phố này cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng tại khu phố đã tạo nên một diện mạo mới, hiện đại trong mắt du khách, nhất là với du khách nước ngoài.

Chị Ðặng Thị Ni Na - chủ cửa hàng kinh doanh nước uống tại khu phố - cho biết, cửa hàng của chị đã triển khai việc thanh toán trực tuyến từ sớm. Khoảng 80% du khách mua sắm đều quét mã QR để thanh toán. "Là khu phố hằng ngày đón nhiều lượt du khách nước ngoài, việc thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện, an toàn. Chúng tôi cũng đỡ mất thời gian trả lại tiền thừa như trước đây", chị Ni Na cho biết.

Cùng gia đình đến du lịch, thưởng thức ẩm thực ở chợ đêm An Thượng, ông Robert, du khách người Anh rất hài lòng khi chỉ mất hơn 30 giây để quét mã QR thanh toán: "Khi đi du lịch chúng tôi rất ít khi mang theo tiền mặt, tất cả thanh toán đều được quét mã để bảo đảm an toàn. Ở đây các cửa hàng áp dụng thanh toán trực tuyến giúp tôi có trải nghiệm mua sắm tiện lợi hơn".

Ông Bạch Ngọc Hải, Chủ tịch UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, cho biết, khu phố du lịch An Thượng đã được đầu tư, nâng cấp hạ tầng đô thị phục vụ du lịch. Việc áp dụng thanh toán trực tuyến nhằm hướng đến thuận tiện cho du khách, hiện đại hóa các dịch vụ trong du lịch. Hiện tại khu phố có hơn 150 hộ kinh doanh. Trước đó, phường đã tuyên truyền đến người dân thực hiện hiệu quả mô hình tuyến phố không dùng tiền mặt. Ðịa phương đang tiếp tục hoàn thiện để sớm đạt mục tiêu 100% cơ sở kinh doanh tại phố du lịch An Thượng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại huyện Hòa Vang, phố đêm Túy Loan được thành lập và đưa vào hoạt động cuối năm 2020 với quy mô hơn 100 gian hàng, đa dạng các mặt hàng, hướng đến trở thành sản phẩm du lịch mới mẻ ở khu vực phía tây thành phố Ðà Nẵng. Theo Ban quản lý chợ Túy Loan, hiện nay 250/570 hộ kinh doanh ở chợ đã có tài khoản ngân hàng, sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt Internet banking, sẵn sàng cho giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Ban quản lý chợ đang tiếp tục phối hợp triển khai cài đặt ứng dụng cho các hộ tiểu thương còn lại.

Cuối tháng 7/2023, UBND huyện Hòa Vang ra mắt mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt" tại chợ Túy Loan và ký kết triển khai thực hiện tại 11 xã. Huyện Hòa Vang đã đầu tư hệ thống Internet cáp quang phục vụ miễn phí tại chợ Túy Loan với bảy đường truyền wifi tốc độ cao, góp phần thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ, trong đó có giao dịch thanh toán điện tử giữa hộ tiểu thương và người dân được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, việc ra mắt mô hình "Chợ thanh toán không dùng tiền mặt" và phát động ký kết thực hiện tại các xã trên địa bàn huyện là hoạt động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khuyến khích người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn huyện, mang đến cho người dân trải nghiệm phương thức thanh toán hiện đại với phương châm "Không tiền mặt: một đổi thay, vạn điều hay".

Tháng 1/2023, UBND thành phố Ðà Nẵng ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QÐ-TTg về phê duyệt Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị cung ứng dịch vụ công tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán dịch vụ công, thuế, bảo hiểm...

Tiểu thương các chợ trên địa bàn Ðà Nẵng đã triển khai ứng dụng Chợ 4.0 để khách hàng không cần sử dụng tiền mặt.

Thực hiện chủ trương này, Sở Du lịch Ðà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện "Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ngành du lịch giai đoạn 2023-2025". Ngành du lịch Ðà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn được tiếp cận, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt; 100% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn áp dụng một hoặc nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán bằng QRCode, cổng thanh toán VNpay, máy POS quẹt thẻ, Internet banking, Mobile banking, chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM…; các bãi tắm nước ngọt dịch vụ, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu vực thuộc quản lý của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Ðà Nẵng đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của người dân và du khách khi sử dụng dịch vụ tại bãi biển.

Hiện nay, Ðà Nẵng đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel); Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các đơn vị đồng hành như Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (ví MoMo), các ngân hàng trên địa bàn… để triển khai chương trình tuyến phố không sử dụng tiền mặt. Ðến nay, Ðà Nẵng đã triển khai mô hình "Chợ 4.0" tại một số chợ lớn (chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Ðống Ða), khuyến khích tiểu thương và người tiêu dùng áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2023, Ðà Nẵng đã tích cực triển khai nhiều tuyến phố thanh toán không tiền mặt tại khu vực trung tâm, như: các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trứ, Nguyễn Hữu Thọ; phố chuyên doanh điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng; phố đi bộ và chợ đêm An Thượng, phố đêm và chợ Túy Loan…

Việc đồng loạt hình thành nhiều tuyến phố không sử dụng tiền mặt tại thành phố Ðà Nẵng nhằm mang lại sự hài lòng cho người dân, du khách trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Ðây là những nền tảng vững chắc để ngành du lịch Ðà Nẵng thực hiện mục tiêu kinh tế số.

Bài và ảnh: Anh Đào

Nguồn: Báo Nhân Dân - nhandan.vn - Đăng ngày 18/08/2023

Cùng chuyên mục