Đắk Lắk có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
2 di sản ở Đăk Lăk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người Mnông huyện Lắk” và “Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Ê Đê huyện Cư M’gar”.
Trong đó, Lễ mừng thọ của người Mnông thường tổ chức vào tháng 1 đến 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa vụ nương, rẫy. Khi bố mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ, nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
Tỉnh Đắk Lắk có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia.
Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân ở Đắk Lắk.
Lời nói vần, tiếng Êđê gọi là “Klei duê”, là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Lời nói vần khá phổ biến trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Êđê; trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), khan, kứt, eirei.
Như vậy, cùng với Khan (Sử thi Êđê) đã được công nhận vào năm 2014, đến nay Đắk Lắk đã có 3 di sản phi vật thể quốc gia.
Cùng các di sản được công nhận, năm nay tỉnh Đắk Lắk có 17 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và 3 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Ông Y Duê Niê (thường gọi ama Pur), ở buôn Ko Siêr, thành phố Buôn Ma Thuột được nhận phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú dịp này phấn khởi chia sẻ: "Tôi rất vinh dự và tự hào khi Nhà nước đã dành tình cảm ưu ái đối với nghệ nhân chúng tôi. Chúng tôi rất xúc động khi được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, xem đây như là một động lực, truyền cảm hứng đối với nghệ nhân của chúng tôi; là một hành động rất thiết thực, để nghệ nhân chúng tôi cần phải có một tinh thần nhiệt tình và tích cực hơn nữa"./.
H Xíu