Non nước Việt Nam

Đắk Lắk đưa văn hóa cồng chiêng vào giảng đường đại học

Cập nhật: 30/01/2023 09:48:05
Số lần đọc: 593
Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các buôn làng, trường học. Tại Trường Đại học Tây Nguyên, một số lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên đã được mở, giúp cho các sinh viên được trực tiếp tham gia, từ đó lan tỏa thêm tình yêu văn hóa cồng chiêng.

Tiết mục diễn tấu chiêng do các sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên biểu diễn được dàn dựng công phu, kết hợp chiêng Êđê và chiêng Bana và có múa dân vũ phụ họa. Đây là một trong các tiết mục tiêu biểu được biểu diễn tại chương trình giao lưu với Trường Đại học Văn Lang ở TP.HCM và công diễn báo cáo tại lễ bế giảng lớp học.

Sinh viên Y Thuyết Niê, khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên, thành viên đội biểu diễn phấn khởi chia sẻ, để có được tiết mục này là sự nỗ lực của cả nghệ nhân và các học viên, bởi chỉ trong 1 tháng, các em vừa tham gia học chương trình chuyên ngành của khoa, học giáo dục quốc phòng tập trung và chỉ được học văn hóa cồng chiêng vào các buổi tối thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần.

Tiết mục biểu diễn cồng chiêng kết hợp dân vũ của sinh viên trường đại học Tây Nguyên.

Đây là lần thứ 2 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên các dân tộc thiểu số. Tham gia lớp lần này có 30 học viên, trong đó có 25 học viên là nữ. Các em đã được nghệ nhân truyền dạy các nội dung về cảm âm, gõ nhịp trên chiêng tre và chiêng đồng; học hát dân ca và diễn tấu một số bài chiêng của các dân tộc Êđê, Bana. Cùng với đó, ban tổ chức lồng ghép các nội dung về tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sử dụng cồng chiêng kết hợp dân ca, dân vũ. Tổ chức cho học viên tham gia vào các sự kiện, hội diễn văn nghệ, kết nối phục vụ cộng đồng. Điều này khiến các học viên thích thú và dành nhiều thời gian, tâm sức để hoàn thành chương trình học.

Sinh viên H Thùy Niê, khoa Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Tây Nguyên, kể: "Thời gian học tôi không có được nhiều vì phải học quân sự, phải ôn thi; nhưng trong thời gian qua tôi cũng học được cách cảm âm, cách đánh chiêng. Tôi cũng tìm hiểu được truyền thống, phong tục, văn hóa của dân tộc Ê đê mình. Qua đấy tôi cũng muốn lan tỏa đến những sinh viên khác, những người trẻ như tôi cũng được tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tôi còn muốn lan toả thêm ở trong buôn của mình nữa. Ở trong thôn, buôn của tôi có ít người trẻ biết đáng chiêng, những dịp họp ở trong buôn thì chỉ có người lớn đánh, mà người lớn thì cũng chỉ toàn nam thôi, ít nữ".

Nghệ nhân Y Nuin Byă ở buôn Alê B, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, ông cùng với nghệ nhân ưu tú Y Bhih Adrơng ở huyện Krông Ana đã trực tiếp đứng lớp truyền dạy. Mặc dù thời gian học ngắn, không liên tục nhưng lớp đã nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên. Không chỉ các học viên có tên trong danh sách mà còn có rất nhiều sinh viên khác đến dự thính và luyện tập. Do chỉ có 2 bộ chiêng Ê đê và 1 bộ chiêng Bana nên các nghệ nhân phải chia tốp cho học viên thay nhau học. Đồng thời, có thêm biên đạo múa để dàn dựng các bài múa dân vũ.

Sinh viên chăm chú lắng nghe nghệ nhân truyền dạy.

Theo nghệ nhân Y Nuin byă, điều đáng quý nhất tại lớp học này chính là sự nghiêm túc, chú tâm và nhiệt tình của học viên. Dù khá bận rộn với lịch học và ôn thi nhưng các em luôn có mặt đầy đủ tại mỗi buổi học. Nghệ nhân Y Nuin Byă nói: "Các học viên tiếp thu rất nhanh bởi vì các em thật sự yêu thích, chú tâm học. Thời gian học thì cũng rất hạn chế, mỗi buổi học chỉ trong khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng, số lượng học viên đông mà chỉ có 2 bộ chiêng nên các em phải luân phiên, chia nhau ra để học. Trong quá trình học, các em chú ý sự hướng dẫn của nghệ nhân, cách cầm chiêng, cầm dùi, đánh sao cho đúng".

Theo PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên, sau 2 lần tổ chức lớp, đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc chiêu sinh, xây dựng chương trình học và lan tỏa giá trị từ lớp truyền dạy. Nhờ đó, so với lần trước, lớp truyền dạy lần này đã gặt hái được nhiều thành quả, giúp sinh viên tiếp cận và bảo tồn tốt hơn những giá trị văn hóa của cộng đồng, vùng đất.

PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung nói: "Muốn câu chuyện này tiếp tục được lan tỏa thì không chỉ riêng gì sinh viên và giảng viên, lãnh đạo của Trường Đại học Tây Nguyên chú ý mà rất cần sự hỗ trợ của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Không chỉ cho sinh viên thụ hưởng một lớp, hai lớp mà cần phải có những hoạt động thu hút sự tham gia của sinh viên. Trường sẽ đề xuất lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho sinh viên đội cồng chiêng và những nghệ nhân trẻ của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia diễu hành đường phố, hoặc là tham gia các sự kiện liên quan đến các địa phương cũng như trong các sự kiện lớn của tỉnh".

Với việc truyền dạy đánh chiêng trong trường đại học, nhiều sinh viên sẽ có cơ hội được tiếp cận gần hơn với nhịp chiêng, bài múa hay các nét độc đáo của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Từ đó khơi dậy ở các em sự quan tâm, niềm yêu thích với văn hóa truyền thống, chủ động tìm hiểu và góp phần bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này trước nguy cơ mai một vì thiếu đi lớp kế cận. Các em được kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực tiếp tục lan tỏa không gian văn hóa cồng chiêng trở lại các buôn làng./.

H Xíu

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 30/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT