Non nước Việt Nam

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội “rước người”

Cập nhật: 19/01/2023 10:24:05
Số lần đọc: 1468
Quảng Yên là vùng đất nổi tiếng với nhiều di tích, danh thắng và những lễ hội truyền thống. Một trong những lễ hội độc đáo, đặc sắc và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là Lễ hội Tiên Công được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm tại vùng đảo Hà Nam.  


Tri ân những người dựng làng, lập xã

TX Quảng Yên có hai vùng địa hình chính tương đương nhau, được ngăn cách bởi sông Chanh gọi là Hà Bắc và Hà Nam.

Theo bia ký và gia phả của các dòng họ vùng đảo Hà Nam, thời vua Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình (1434) có 17 vị Tiên Công là người cùng quê ở phường Kim Hoa, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long (nay là phường Kim Liên, Hà Nội) đã tới đây khai phá, lập nên phường Bồng Lưu, sau này là xã Phong Lưu gồm 3 thôn: Cẩm La, Yên Đông, Phong Cốc.

Lễ hội Tiên Công, tháng 2/2016. Ảnh: Phạm Tăng

Năm 1804, để tưởng nhớ công lao của 17 người dân đầu tiên đến đây, nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ, gọi là miếu Tiên Công. Miếu thờ 17 Tiên Công gồm: Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn là những người đầu tiên quai đê lấn biển lập nên ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông và hai Tiên Công Hoàng Nông, Hoàng Nênh quê ở Trà Lý (Nam Định) là những Tiên công đã khai canh lập nên làng Trung Bản, sau sáp nhập vào xã Phong Lưu thành “Nhất xã, tứ thôn”.

Rước cụ Thượng trong Lễ hội Tiên Công ở Hà Nam (tháng 2/2019). Ảnh: Lê Đồng Sơn

Miếu Tiên Công được xây dựng trên một khu đất cao rộng ở thôn Cẩm La (nay là xã Cẩm La, TX Quảng Yên). Cùng với thời gian, miếu đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Lễ hội Tiên Công diễn ra vào ngày 6 và 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là thời gian bà con đã cấy xong vụ lúa chiêm, bước vào thời kỳ trồng màu và cũng là khoảng thời gian người dân đảo Hà Nam chuẩn bị ra quân làm thuỷ lợi, sửa sang mương máng, bồi đắp đê điều. Còn theo gia phả của họ Dương, họ Bùi để lại thì ngày 7 tháng Giêng chính là ngày các Tiên Công tìm thấy mạch nước ngọt trên đảo và quyết định quai đê lấn biển, lập làng. Lễ hội Tiên Công gắn liền với đời sống của nhân dân và được tổ chức đều đặn hàng năm qua nhiều thế hệ, thể hiện sự tri ân của người dân địa phương với 17 vị Tiên Công đã có công “quai đê lấn biển” khai ấp, dựng làng, lập nên “Tứ xã” đảo Hà Nam của TX Quảng Yên.

Rộn ràng lễ - hội

Lễ hội Tiên Công gồm hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Lễ được tiến hành trước, từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài sang mùng 7. Phần hội bắt đầu vào mùng 7 song song với các hoạt động lễ trong ngày hôm đó. Điểm nhấn chính của lễ hội là hoạt động rước các cụ Thượng thọ (tròn 80, 90 tuổi, 100 tuổi trở lên) lên miếu Tiên Công lễ tổ. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước. Các đám rước nhập lại khi đến gần bia Tiên Công tạo nên một không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng.

Các cụ Thượng bái tổ tại miếu Tiên Công (tháng 2/2017). Ảnh: Thành Chung (CTV)

Ông Vũ Trọng Lưu (khu 2, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên), Hội đồng họ Vũ, cho biết: Lễ hội Tiên Công đã tồn tại hàng mấy trăm năm nay. Để tổ chức lễ hội, đối với mỗi gia đình, dòng họ, nhất là gia đình có cụ Thượng, đều có sự chuẩn bị từ sớm và chu đáo. Tại gia đình các cụ Thượng, ngày 2 tháng Chạp, các con cháu đi làm xa hay ở gần đều về nhà đầy đủ, quây quần. Cả gia đình họp bàn để tổ chức lễ cho bố mẹ lên thượng thọ, từ kinh phí, đặt các khánh tiết, thuê đám rước, làm cỗ... Tuỳ vào điều kiện mỗi gia đình mà làm lễ to hay nhỏ.

Để chuẩn bị cho lễ rước cụ Thượng, các gia đình trang hoàng nhà cửa, trang trí bàn thờ, treo đại tự, câu đối chúc thọ. Một lễ vật không thể thiếu trong lễ rước là con long mã (thần biển) được kết bằng hoa quả, là điểm nhấn của ban thờ. Con long mã mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu truyền thống trị thủy của cư dân đảo Hà Nam. Ngoài ra, lễ vật trong lễ rước còn có trầu cau, đầu lợn, gà, bánh dày, hoa quả, bánh kẹo...

Dâng lễ lên miếu tại Lễ hội Tiên Công năm 2015. Ảnh: Phạm Học

Đặc biệt, nhân vật chính của lễ rước là các cụ Thượng được con cháu cung kính tặng áo bằng vải lụa, có hoa văn chữ Thọ. Các cụ được ngồi trên ghế ngai phủ vải hoa để con cháu, họ hàng, làng xóm... đến dâng lễ, kính cẩn chúc mừng thọ. Sáng mùng 7 tháng Giêng, các cụ Thượng được con cháu mời ngồi kiệu hoặc võng đào có lọng che rước lên miếu Tiên Công. Đoàn người đi trước, theo sau đều là con cháu họ hàng thân thích; có đoàn người cầm cờ; có đoàn chiêng, trống, kéo nhạc; có đoàn bê lễ vật; có đoàn khiêng kiệu... Mỗi gia đình, dòng họ như vậy tạo thành đám “rước người sống” nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu, náo nhiệt âm thanh... dài tới hàng trăm mét.

Sau khi rước các cụ Thượng đến miếu Tiên Công là phần tế lễ. Đội tế do ban tổ chức lập ra từ trước, là những người được tuyển chọn kỹ càng, nhất là chủ tế. Đội tế lễ thực hiện các nghi lễ xong, các cụ Thượng vào miếu dâng lễ vật, tế Tiên Công với sự thành kính, trang trọng, biểu thị sự tri ân đến những tiền nhân đã khai làng, mở xóm.

Ông Lê Công Đức Bình, Hội đồng gia tộc họ Lê (phường Phong Cốc) chia sẻ: Gia tộc họ Lê Công ở Phong Cốc tính đến nay đã có hơn 7.300 đinh, hiện có khoảng 600 đinh còn sống. Mỗi năm, Hội đồng gia tộc họ Lê đều tổ chức gặp mặt con cháu, không chỉ để bàn chuyện tổ chức lễ hội Tiên Công cho trang trọng, mà còn là dịp để gặp gỡ, đoàn viên, dạy bảo con cháu biết lễ nghĩa, nhớ ơn tiên tổ, khuyến học khuyến tài, động viên các gia đình giữ gìn hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế...

Ngoài lễ rước thọ được coi là linh hồn của Lễ hội Tiên Công, phần hội cũng diễn ra không kém phần sôi nổi. Nhiều trò chơi dân gian thu hút rất nhiều người tham gia, như đánh vật, chơi đu, chọi gà, tổ tôm điếm, kéo co, bóng chuyền... Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ cũng được tổ chức, đặc biệt là hát đúm - một hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc mang đậm dấu ấn của đất và người vùng đảo Hà Nam. Những ngày Lễ hội Tiên Công diễn ra, nhân dân trong vùng nô nức tranh tài, giải trí; nhân dân các vùng khác cũng đến tham gia, tạo không khí sôi nổi, vui vẻ trong những ngày đầu xuân mới.

Ngày hội đậm nét nhân văn

Lễ hội Tiên Công diễn ra trong những ngày đầu xuân không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân vùng đảo Hà Nam mà trong nhịp sống hiện đại, lễ hội đã khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “kính lão đắc thọ” của người Việt và đề cao tình đoàn kết dòng tộc, xóm làng...

Cụ Lê Công Khang Hải (khu 6, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) xuân này bước sang tuổi 83. Năm 2021, cụ được con cháu trong nhà tổ chức mừng thọ “Tuổi ngọc” tròn 80 tuổi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên lễ rước cụ Thượng được gia đình cụ thực hiện giản tiện: Làm lễ trong nội bộ gia đình; lễ vật vừa đủ; chỉ rước cụ Thượng từ nhà lên nhà thờ họ, không rước đến miếu Tiên Công...

Các cháu, chắt chúc thọ cụ Lê Công Khang Hải trong ngày mừng thọ.

“Tuy năm đó không tổ chức Lễ hội Tiên Công lớn như hằng năm; gia đình cũng chỉ làm lễ nội bộ, nhưng con cháu gần xa đều quây quần, đoàn tụ, thể hiện lễ hiếu đối với người lớn tuổi, tôi thấy rất vui, rất toại nguyện” - cụ Lê Công Khang Hải chia sẻ.

Lễ hội Tiên Công mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, giá trị nhân văn cao đẹp, đề cao giá trị con người, tuổi thọ của con người. Việc rước các cụ Thượng lên miếu không chỉ đề cao tinh thần “kính lão đắc thọ”, mà còn là sự hãnh diện, tự hào với họ hàng, làng xóm là dòng họ, gia đình có phúc. Đặc biệt, Lễ hội Tiên Công là nơi để những người con dân vùng đảo Hà Nam thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những vị thủy tổ, những người có công khai sinh lập ấp, lập làng, truyền nghề, giáo dục con cháu... Đối với mỗi người dân Hà Nam, dù đang sinh sống, công tác ở đâu, nhưng trong thâm tâm luôn hướng về quê hương, để rồi đến ngày Tết cổ truyền, đến Lễ hội Tiên Công đều cố gắng trở về.

Lễ hội Tiên Công chính là dịp để các cụ cao tuổi có dịp giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, răn dạy con cháu ăn ở có trước, có sau.

“Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho”. Lễ hội Tiên Công chính là dịp để con cháu trong nhà đoàn tụ, các cụ cao tuổi có dịp giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, răn dạy con cháu ăn ở có trước, có sau; kính trọng người già, giữ trọn đạo làm con.

Một mùa xuân mới sắp về. Không gian văn hóa lễ hội ở vùng đảo Hà Nam lại chuẩn bị náo nhiệt, tấp nập bởi hội hè, đình đám với cờ, hoa, võng, lọng, cây đu, cây nêu, hát đúm... Đến hẹn lại lên, Lễ hội Tiên Công với nghi lễ “rước người” độc đáo trở thành ngày hội lớn, ngày hội gắn kết tình cảm gia đình, cộng đồng, làng xã.

Lễ hội Tiên Công là một trong những lễ hội độc đáo, có quy mô lớn của TX Quảng Yên và của tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội Tiên Công gắn bó mật thiết với di tích miếu Tiên Công và 28 di tích từ đường các dòng họ nằm trên địa bàn các xã, phường diễn ra lễ hội. Không gian của lễ hội diễn ra trên toàn địa bàn khu vực Hà Nam và ở các gia đình, dòng họ có cha, mẹ thượng thọ; trung tâm lễ hội là khu di tích miếu Tiên Công tại xã Cẩm La và ở các xã, phường Phong Cốc, Phong Hải, Nam Hòa, Yên Hải.

Ngày 8/5/2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố và vinh danh Lễ hội Tiên Công là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh - quangninh.gov.vn - Đăng ngày 19/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT