Đắk Lắk: Kết nối, mở rộng không gian du lịch
Đa dạng tour/ tuyến du lịch
Đến nay, những địa phương sở hữu các sản phẩm du lịch đặc thù (văn hóa, lịch sử; nông nghiệp, sinh thái; trải nghiệm địa hình…) đã trở thành “vệ tinh” xung quanh trung tâm Buôn Ma Thuột. Nhiều tour/ tuyến du lịch được hình thành và giữ vững để vừa cung cấp cho du khách những sản phẩm/dịch vụ đa dạng, vừa góp phần tăng thời gian lưu trú, mua sắm của khách hàng nhằm gia tăng chuỗi giá trị kinh tế của toàn ngành.
Với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, Đắk Lắk không ngừng kết nối, mở rộng không gian du dịch để tạo bước đột phá mạnh mẽ. Trong ảnh: Chiều về bên thác Dray (xã Dliê Yang, huyện Ea H'Leo). Ảnh: Hữu Hùng
Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk Lê Thị Chung cho hay: Thời gian qua, việc tổ chức khảo sát, hướng dẫn phát triển tuyến/điểm, sản phẩm du lịch mới trên địa bàn các huyện, thị xã trọng điểm như Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Hồ, Ea H’leo… đã cơ bản hoàn tất, nhằm kiến tạo không gian du lịch đồng bộ và bao trùm, tạo cơ hội cho một số khu du lịch đã được đầu tư, xếp hạng cấp tỉnh và hướng đến cấp quốc gia, bao gồm TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Buôn Đôn, Lắk, Krông Ana… kết nối, bứt phá mạnh mẽ hơn. Hiện tại và những năm tới, điểm nhấn của du lịch Đắk Lắk vẫn là Buôn Ma Thuột - “Thành phố cà phê của thế giới”; đồng thời lấy đó làm thông tin nhận diện và lời mời chào (sologan) hấp dẫn du khách đến với vùng đất này.
Mục tiêu đặt ra cho cả năm 2024, ngành du lịch Đắk Lắk đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi.
Từ 7 khu/điểm du lịch trọng điểm của TP. Buôn Ma Thuột (Khu Nhà đày - Biệt điện Bảo đại - Bảo tàng Đắk Lắk; Bảo tàng Thế giới cà phê; Khu du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng Kô Tam; Khu du lịch sinh thái Suối Ong; Điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông; Tăng Jú và Đắk Tuôr - Hòa Phú) với những sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, có chất lượng đã thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm. Từ đây làm bàn đạp thúc đẩy những “vệ tinh” nói trên phát triển thông qua những tour/tuyến du lịch đa dạng và phong phú như: Du lịch mạo hiểm, sinh thái cụm thác Dray Nur - Gia Long (huyện Krông Ana), Trung tâm Du lịch Bản Đôn, Khu du lịch sinh thái Ánh Dương, Thanh Hà, Troh Bưh (huyện Buôn Đôn), Vườn Quốc gia Yok Don và Trung tâm Du lịch Hồ Lắk. Có thể nói, đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tìm đến trong thời gian tới, qua đó tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh về con người và vùng đất Đắk Lắk giàu bản sắc trên bản đồ du lịch miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước.
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách ở buôn Akô Dhông. Ảnh: Hữu Hùng
Mở rộng biên độ xúc tiến
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Thụy Phương Hiếu chia sẻ: Cùng với việc kết nối, mở rộng không gian du lịch trên địa bàn Đắk Lắk thì cơ chế kích cầu, liên kết và hợp tác phát triển du lịch Đắk Lắk với các tỉnh thành phía Bắc, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long cũng như vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia đã có bước tiến vượt bậc. Bên cạnh hàng chục cuộc khảo sát, hợp tác, quảng bá du lịch giữa Đắk Lắk với gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian qua thì những giải pháp đưa ra kịp thời, xuyên suốt của doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị chức năng như mở rộng biên độ xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk, tìm kiếm thị trường mới trong nước và khu vực ASEAN… cũng đã và đang được đẩy mạnh.
Du khách quốc tế khám phá, trải nghiệm với thiên nhiên trên sông Sêrêpốk, Vườn Quốc gia Yok Don.
Đến nay, tất cả 21 khu/điểm du lịch cùng 25 đơn vị lữ hành nội địa và quốc tế, cũng như hầu hết cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất, "làm mới" sản phẩm, dịch vụ du lịch để phục vụ du khách. Đặc biệt là chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với những nội dung/sản phẩm kèm theo được Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cùng các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, phân khúc linh động và phù hợp như: Trải nghiệm Hè 2024; trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch OCOP gắn với biểu diễn văn hóa cồng chiêng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao và sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại trung tâm Buôn Ma Thuột nhằm thu hút du khách đến từ các thị phần truyền thống cũng như mới tìm kiếm.
Đình Đối