Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Rộn ràng khai hội Giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà

Cập nhật: 16/08/2024 15:55:56
Số lần đọc: 628
Sáng ngày 12.8, các nghệ nhân, du khách cùng hàng trăm người dân làng gốm Thanh Hà đã cùng về Khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tham gia lễ Giỗ tổ nghề gốm.


Sáng cùng ngày đã khai mạc Không gian kết nối và Hội thi chế tác sản phẩm gốm năm 2024

Giỗ tổ nghề gốm được người dân làng Nam Diêu tổ chức vào ngày 9 và 10 Âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ tổ nghề, nguyện cầu tổ nghề độ trì bình an. Tri ân công đức các bậc tiền nhân đã tạo dựng, truyền nghề cho dân làng.

Đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân chia sẻ, truyền lại cho thế hệ trẻ của làng về nguồn cội, lịch sử, cũng như ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề của cha ông.

Du khách về tham dự khai mạc giỗ tổ nghề gốm 2024

Những năm gần đây, bên cạnh phần lễ giỗ tổ được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống, TP. Hội An cũng đầu tư vào tổ chức phần hội với nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn,…Không còn bó hẹp khuôn khổ lễ hội của làng mà đã được đầu tư, sáng tạo thêm nhiều hoạt động cấp thành phố.

Lễ hội năm 2024 do UBND phường Thanh Hà phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày 12-13.8 với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, hội thi chế tác sản phẩm gốm.

Thông qua đó góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh làng nghề truyền thống với du khách, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập để người dân yên tâm gắn bó với làng nghề, ý thức bảo tồn, phát huy nghề gốm truyền thống, gắn liền với việc đào tạo nghề cho thế hệ trẻ.

Các hoạt động giao lưu, trình diễn nghề giữa các nghệ nhân, thợ làng gốm và du khách. Các trò chơi dân gian, trưng bày sản phẩm nghề gốm…

Đặc biệt, ngày mai 13.8 sẽ là ngày dân làng tổ chức rước lễ - nghinh tổ theo nghi thức truyền thống, tổ chức hội thi nghề, đua thuyền truyền thống…

Các công đoạn, quy trình sản xuất gốm vẫn giữ nguyên kỹ thuật truyền thống

Từ năm 2001, TP. Hội An đã quyết định phê duyệt phương án tổ chức khai thác tuyến tham quan du lịch tại làng gốm Thanh Hà.

Thời điểm ấy, cả làng nghề chỉ còn 8 cơ sở với 24 lao động hoạt động, trở thành hạt nhân trong công tác bảo tồn và phát triển của làng nghề.

Năm 2019, nghề gốm Thanh Hà được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống Thanh Hà gắn với hoạt động du lịch giai đoạn 2004-2007.

Nghệ nhân trình nghề tạo tác với gốm

Đến nay, làng gốm Thanh Hà là một trong những điểm du lịch thu hút khá đông du khách đến tham quan khi du lịch tại Hội An.

Không gian cảnh quan, kiến trúc tại làng gốm vẫn giữ nguyên nét truyền thống của một ngôi làng ở miền Trung Việt Nam.

Du khách thích thú với các sản phẩm gốm

Năm 2023, làng gốm đón khoảng 600 nghìn lượt khách tham quan làng gốm Thanh Hà (bằng 86% so với năm 2019), trong đó có đến 93% là khách quốc tế. Doanh thu từ bán vé tham quan là 17 tỉ đồng.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2023, lượng khách ghé thăm làng gốm đứng thứ 3 trong số các điểm đến ở Hội An, chỉ sau khu phố cổ và rừng dừa Bảy Mẫu

Làng gốm Nam Diêu-Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII do một số thợ thủ công Thanh Hóa, Nghệ An vào dựng làng ở Thanh Hà, mang theo nghề gốm. Làng nghề hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần thổ sản Quảng Nam.

Thu Hoài

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 12/08/2024

Cùng chuyên mục