Non nước Việt Nam

Đắk Lắk: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 03/10/2024 14:32:12
Số lần đọc: 477
Với nhiều loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc, hấp dẫn, "bức tranh" du lịch của tỉnh Đắk Lắk cũng hiện rõ với nhiều màu sắc. Ngoài tiềm năng về điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thì Đắk Lắk còn là "mảnh đất màu mỡ" để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch lễ hội…


Với 49 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu trên vùng đất này. Đây là được coi "vốn quý" nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… với những khác biệt, hấp dẫn riêng. Tỉnh Đắk Lắk có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: sử thi của người Êđê; Lễ mừng thọ của người M'nông (huyện Lắk); Lời nói vần của người Êđê (huyện Cư M'gar); Mo Mường ở Đắk Lắk và có khoảng 2.307 bộ chiêng, 3.855 nghệ nhân, trên 100 loại nhạc cụ khác nhau...

Bên cạnh đó, nhiều lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ, nét đẹp trong trang phục truyền thống… của các dân tộc vẫn còn được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay. Tất cả làm nên một di sản văn hóa vô giá truyền lại cho thế hệ mai sau. Hơn nữa, các lễ hội của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức cũng là một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc thù, có sức thu hút lớn đối với du khách. Có thể kể đến như: Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Êđê, Thái; lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng (huyện Cư M'gar); lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (huyện Krông Năng)…

Du khách tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực của đồng bào Êđê tại xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) tại Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Ê đê lần thứ III, năm 2023 (ảnh minh họa)

Trong đó, huyện Cư M'gar được coi là không gian lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Y Wem Hwing, cho biết, trên địa bàn huyện có 14 nghi lễ, lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức với quy mô cấp xã, cấp huyện. Trong số đó, nhiều lễ hội được tổ chức thường niên đã góp phần giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị tích cực của lễ hội cũng như giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của con người trên vùng đất này.

"Vào những dịp tổ chức, lễ hội thu hút sự quan tâm của du khách gần xa đến với Cư M'gar. Các lễ hội này được tổ chức bước đầu đã gắn kết phát triển du lịch tại địa phương" – ông Y Wem Hwing cho biết thêm.

Còn theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 74 lễ hội (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), bao gồm 6 lễ hội văn hóa, 41 lễ hội dân gian, 21 lễ hội truyền thống, 3 lễ hội cổ truyền, 1 lễ hội ngành nghề và 2 lễ hội du nhập nước ngoài.

Qua đó, với nhiều loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc, hấp dẫn, "bức tranh" du lịch của tỉnh Đắk Lắk cũng hiện rõ với nhiều màu sắc. Ngoài tiềm năng về điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thì Đắk Lắk còn là "mảnh đất màu mỡ" để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch lễ hội… Những giá trị này nếu được phát huy sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thụy Phương Hiếu khẳng định: "Cùng với sự ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn được xác định là nền tảng chính trong định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Trước hết là khai thác lợi thế có sẵn để phát triển du lịch cộng đồng".

Chính vì thế, trong những năm gần đây, tại tỉnh Đắk Lắk, du lịch cộng đồng đang được chính quyền địa phương quan tâm, định hướng phát triển với quy mô và cách làm hướng đến sự chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để những giá trị văn hóa này hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch, thiết nghĩ cần có sự đầu tư đồng bộ, bài bản từ khâu tổ chức đến cách thức quảng bá văn hóa, lễ hội. Trước hết cần tạo "sức hút" cho các hoạt động quảng bá bằng cách chọn lọc một số lễ hội, sản phẩm văn hóa đặc sắc, ấn tượng để xây dựng, quảng bá thành sản phẩm du lịch.

Cùng với đó, đối với hoạt động quản lý lễ hội gắn với phát triển du lịch cộng đồng, cần xây dựng kịch bản, nội dung phù hợp để phục dựng, biểu diễn trong các lễ hội giúp hoạt động này vừa mang tính truyền thống, vừa bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ, phục vụ du khách. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, giao thông thuận lợi đi đến các điểm, địa phương tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội; tạo sản phẩm dịch vụ đi kèm… Có như thế mới phát huy những giá trị tích cực của văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch../.

Đ.Lan - H.Trang

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Đăng ngày 03/10/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT