Non nước Việt Nam

Khi bài chòi ''gõ cửa'' trường học

Cập nhật: 03/10/2024 14:47:57
Số lần đọc: 569
Kể từ khi nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, bài chòi trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, tạo nhiều điều kiện để lan tỏa đến với người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Trong nỗ lực chung đó, bài chòi đã “gõ cửa” trường học như một tín hiệu vui để “tiếp lửa” tình yêu di sản đến với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để có thể giữ được “ngọn lửa” này bền vững, vẫn rất cần sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương.


Còn lưu giữ không khí của hội bài chòi được tổ chức ngay tại sân trường trong dịp đón năm mới-xuân Giáp Thìn 2024 vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Bắc Lý (TP. Đồng Hới) hào hứng chia sẻ: “Nhân tổ chức “Ngày hội xuân ấm cho em”-một hoạt động thường niên của nhà trường, Trường tiểu học số 2 Bắc Lý quyết định đưa bài chòi đến với các em. Mục đích là vừa đưa nét văn hóa đặc sắc của địa phương vào trường học, vừa tạo điều kiện để học sinh tiếp cận, trải nghiệm bài chòi, từ đó, khơi gợi, hình thành niềm yêu thích, đam mê với di sản của cha ông để lại. Đây cũng là hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xây dựng lớp kế cận tiếp nối di sản”.

Trong quá trình chuẩn bị, nhà trường cũng được tạo điều kiện hỗ trợ để tổ chức hội bài chòi từ Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Đồng Hới và đội tổ chức bài chòi. Ngày diễn ra ngày hội, bên cạnh các hoạt động, như: Trò chơi dân gian, gói bánh chưng..., các em được trực tiếp tham gia hội bài chòi. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, học sinh các lớp nhập cuộc rất nhanh và hào hứng, yêu thích loại hình văn hóa văn nghệ dân gian (VHVNDG) độc đáo này. Nhiều em chia sẻ rất mong muốn những năm sau sẽ tiếp tục được tham gia hội bài chòi ngay tại trường cùng với các bạn.

Sân Trường tiểu học số 2 Bắc Lý (TP. Đồng Hới) náo nức, rực rỡ sắc màu với hội bài chòi vào những ngày đầu xuân 2024.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, với những tín hiệu tích cực từ lần tổ chức này, thời gian tới, trong ngày hội đầu xuân năm mới, Trường tiểu học số 2 Bắc Lý sẽ tiếp tục đưa bài chòi vào kế hoạch triển khai và xem đây như một giải pháp hiệu quả để “bắc nhịp cầu” kết nối tình yêu di sản cho các em. Ngoài ra, trong các hoạt động ngoại khóa và tiết học tích hợp, bên cạnh bài chòi, nhiều loại hình VHVNDG khác của địa phương cũng sẽ được đưa vào giảng dạy, giới thiệu cho học sinh một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Nam Lý (TP. Đồng Hới) cho biết, nhà trường tổ chức hội bài chòi vào dịp đầu xuân năm mới để các em học sinh tìm hiểu, trải nghiệm và yêu thích loại hình di sản này. Tín hiệu vui là hầu hết các em đều hào hứng tham gia nhiệt tình, mong chờ những hội bài chòi sau. Trước đây, khi là Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Mỹ (TP. Đồng Hới), cô cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm bởi nhà trường thường xuyên tổ chức hội bài chòi cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng giới thiệu về bài chòi cũng như các di sản khác trong các tiết học tích hợp, lồng ghép giáo dục địa phương…

Gần đây, với sự phối hợp của Thành đoàn Đồng Hới, công tác tổ chức về cơ sở vật chất cho hội bài chòi đã vơi bớt vất vả. Nhà trường mong muốn hoạt động tổ chức bài chòi ở các trường học trên địa bàn thành phố nói riêng, toàn tỉnh nói chung sẽ được quan tâm nhiều hơn, nhất là phía ngành Văn hóa để có các kế hoạch phối hợp liên kết, dài hơi, bài bản nhằm nhân rộng mô hình, khuyến khích các trường mạnh dạn triển khai. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên âm nhạc về bài chòi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu bài bản di sản độc đáo này đến học sinh.

Bài chòi vẫn có sức cuốn hút lớn với các tầng lớp nhân dân. Minh chứng là trong tối 29/8 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Lệ Thủy, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức tổng kết, báo cáo kết quả lớp truyền dạy kỹ năng tổ chức hội bài chòi và hô, hát bài chòi tỉnh Quảng Bình năm 2024. Sự kiện đã thu hút số lượng lớn bà con tham gia đông đảo, đặc biệt nhiều trong số đó là những người trẻ.

Phó trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo (GDĐT) TP. Đồng Hới Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, trong nhiệm vụ năm học hàng năm, phòng có chỉ đạo các đơn vị đưa VHVNDG vào trường học, nhất là đẩy mạnh trong các năm gần đây. Ngoài bài chòi, các trò chơi dân gian và loại hình VHVNDG khác cũng được tích hợp triển khai trong những giờ học và ngày hội… Phòng khuyến khích các nhà trường triển khai tùy thuộc vào điều kiện thực tế để lựa chọn loại hình phù hợp.

Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững, thời gian qua, huyện rất quan tâm đến việc đưa các loại hình VHVNDG vào trường học, đặc biệt dành nhiều tâm huyết để lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia-hò khoan Lệ Thủy đến với học sinh. Riêng với bài chòi, sau khi hội tụ đầy đủ các điều kiện, phù hợp thực tiễn, huyện sẽ có kế hoạch triển khai đưa vào trường học.

Trong bối cảnh giới trẻ ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời đại số, ít mặn mà với các loại hình VHVNDG truyền thống, việc đưa bài chòi “gõ cửa” trường học là một cách làm hay, giải pháp sáng tạo để “giữ lửa” tình yêu di sản trong học sinh. Tuy nhiên, để hoạt động này không mang tính chất phong trào, thiếu bền vững, vẫn cần có sự xem xét, tổng kết, nghiên cứu cụ thể. Đặc biệt, ngành GD-ĐT và ngành Văn hóa cần có cái “bắt tay” thật chặt để có phương án, giải pháp thiết thực, tránh “bệnh hình thức”, lãng phí. Và không chỉ riêng với bài chòi, nhiều loại hình VHVNDG khác nếu có điều kiện “gõ cửa” trường học cũng rất cần được quan tâm, tạo điều kiện.

Mai Nhân

Nguồn: Báo Quảng Bình - baoquangbinh.vn - Đăng ngày 02/10/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT