Hoạt động của ngành

“Đánh thức” tiềm năng du lịch huyện Krông Năng (Đắk Lắk)

Cập nhật: 26/12/2022 09:14:13
Số lần đọc: 998
Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, huyện Krông Năng hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo của các dân tộc cùng sinh sống, được thiên nhiên ưu ái nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, thế nhưng đến nay ngành du lịch của địa phương vẫn như "nàng công chúa chưa được đánh thức"...  


Nhiều thế mạnh để phát triển du lịch

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 50 km, huyện Krông Năng có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi với tuyến Quốc lộ 29 đi qua dài 24 km, là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên và các tỉnh Duyên hải miền Trung; Tỉnh lộ 14 dài 28 km, Tỉnh lộ 3 dài 26 km là tuyến giao thông trọng điểm giúp huyện dễ dàng thông thương với các huyện Krông Búk, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trong việc kết nối, mở rộng tour, tuyến du lịch.

Thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng) là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Huyện có nhiều hồ đập, nhiều loài động, thực vật, cảnh quan núi rừng tự nhiên phong phú và hấp dẫn là ưu thế để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, được nhiều người biết đến là thác Thủy Tiên, đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2009. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có thác Sơn Long (thuộc thôn Tam Điền, xã Ea Tam), cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 87 km, được công nhận Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2020.

Krông Năng còn được biết đến là một trong hai địa phương có quần thể thông nước - một loài cây quý hiếm, được ghi nhận chỉ còn tồn tại ở hai quần thể rừng đặc dụng Ea Ral (huyện Ea H’leo) và Trấp K’sơr (huyện Krông Năng). Đây là những cá thể thông nước cuối cùng trên thế giới đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, ngay trung tâm huyện còn có đập nước Thanh niên (còn gọi là đập Đông Hồ hay đập Phú Lộc), với mặt nước rộng hơn 10 ha, cung cấp nước tưới cho 250 ha đất nông nghiệp. Với vị thế đẹp, ba mặt hồ tiếp giáp với rừng cao su xanh tốt, đập Phú Lộc có thể làm nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí... 

Huyện Krông Năng có 11 xã và 1 thị trấn, dân số 130.000 người thuộc 31 dân tộc cùng chung sống. Huyện có 223 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 72 bộ cồng chiêng quý từ 100 năm trở lên, 90 bộ cồng chiêng đầy đủ cả bộ, 20 bến nước, 17 nghệ nhân tạc tượng, 66 nghệ nhân dệt thổ cẩm... Mỗi dân tộc có nét đẹp văn hóa riêng, mở ra cơ hội phát triển du lịch văn hóa địa phương rất đa dạng. Đơn cử, có thể kể đến Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc ở xã Ea Tam. Đến với lễ hội, du khách được hòa mình vào nhiều hoạt động sôi nổi như: thi bắt vịt, bịt mắt bắt heo, văn hóa tâm linh, lồng tồng, tung còn; được thưởng thức cơm lam, bánh dầy, bánh chưng của đồng bào Tày, Nùng.

Thêm một ưu đãi của thiên nhiên dành cho huyện là có khí hậu mát mẻ, ôn hòa với hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Đặc biệt, địa hình có độ cao phân bổ từ 300 - 800 m, sông suối, đồi núi đan xen nên có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau, tạo ra lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

Đồng bộ các giải pháp

Nhận thấy rõ tiềm năng cũng như thực trạng về phát triển du lịch của địa phương, ngày 29/01/2021 UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 15-KH/UBND về việc "Phát triển du lịch huyện Krông Năng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030".

UBND huyện đã chỉ đạo các cấp chính quyền tập trung thực hiện tốt công tác định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch về du lịch; huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của huyện, từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch, dần đưa du lịch của huyện thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đàn tính, hát then được đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc sinh sống ở huyện Krông Năng gìn giữ, phát huy.

Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng phục dựng, duy trì lễ cúng bến nước tại bến nước Ea Kô và Ea Lung (thị trấn Krông Năng); tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng; xây dựng các đội văn nghệ dân gian tại các buôn và các đội văn nghệ dân gian của các dân tộc phía Bắc đang sinh sống trên địa bàn để biểu diễn phục vụ du khách. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, phong cảnh đẹp của huyện Krông Năng đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Trên địa bàn huyện có hai thác nước (Thủy Tiên, Sơn Long) đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và cấp tỉnh nhưng đều thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Vì vậy, để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ở đây, huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định tại Điều 27, Điều 56 Luật Lâm nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Minh Châu nhận định: Hiện nay, bức tranh du lịch của huyện còn ở dạng tiềm ẩn, chưa thực sự phát triển mạnh, hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế... Tuy nhiên, huyện đang từng bước có kế hoạch phát triển theo hướng bền vững. Các loại hình du lịch văn hóa gắn với trải nghiệm nông nghiệp cũng là mục tiêu huyện hướng tới nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Huyện rất hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

Thế Hùng

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 26/12/2022

Cùng chuyên mục