Hoạt động của ngành

Đánh thức tiềm năng du lịch Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)

Cập nhật: 14/02/2024 08:33:46
Số lần đọc: 790
Quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) nằm về phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 8 km. Nơi đây có danh thắng Ngũ Hành Sơn và nhiều di tích lịch sử, đường bờ biển xinh đẹp dài 12 km. Với vẻ đẹp và những giá trị lịch sử, văn hóa, Ngũ Hành Sơn hiện đang được quan tâm xây dựng trở thành điểm đến du lịch đặc sắc thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm tại Đà Nẵng.

 
Danh lam thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt với nhiều thắng cảnh đẹp, độc đáo, lạ mắt. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
 
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do vậy, quận luôn nỗ lực để đánh thức giá trị có sẵn của danh thắng, di tích lịch sử, đồng thời kết nối các điểm du lịch trong quần thể liên hoàn với nhau; hỗ trợ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh du lịch, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ, phát huy giá trị danh thắng.
 
Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, trong thời gian đến, quận sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch như: Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị; xây dựng cơ chế quản lý, chính sách phát triển du lịch; tiếp tục triển khai hoàn thiện các hạng mục của Đề án phát triển du lịch Khu căn cứ cách mạng K20. Quận Ngũ Hành Sơn sẽ triển khai đề án bảo tồn và phát huy bia Ma Nhai, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, tôn tạo hạ tầng kỹ thuật trong khu vực bảo vệ I, sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật…
 
Bên cạnh đó, quận Ngũ Hành Sơn sẽ tăng cường truyền thông hoạt động của Khu phố du lịch An Thượng, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch có chiều sâu, đa dạng hoạt động giải trí văn hóa nghệ thuật; tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các hoạt động của Phố đi bộ - chợ đêm An Thượng.
 
Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Cao Thị Huyền Trân cho hay, với thế mạnh du lịch biển, du lịch tâm linh, Ngũ Hành Sơn được định hướng xây dựng trở thành điểm đến đặc sắc, văn minh, đa dạng hóa các loại hình du lịch, dịch vụ, tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. Hiện quận đang thực hiện kết nối tất cả các địa điểm tham quan, chùa, hang động, hệ thống bia Ma Nhai… để giúp du khách có thể hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử của quận Ngũ Hành Sơn.
 
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh đánh giá cao nỗ lực xây dựng, phát triển du lịch của quận Ngũ Hành Sơn trong thời gian qua; mong muốn địa phương sẽ xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, hướng đến du lịch văn minh và có nhiều ý tưởng tăng giá trị trải nghiệm cho du khách; tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh quận Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ đồng hành, hỗ trợ những kế hoạch, đề xuất phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn quận.
 
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, năm 2023, Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 1,7 triệu lượt khách tham quan (hơn 1,1 triệu khách quốc tế) với tổng thu ngân sách gần 74,4 tỷ đồng; Khu Căn cứ cách mạng K20 đã tiếp đón, phục vụ miễn phí hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Qua thời gian triển khai thí điểm Phố đi bộ - chợ đêm An Thượng từ tháng 7/2023 đến nay, có hơn 30.000 lượt du khách và người dân đến tham quan, sử dụng dịch vụ.
 
Trong năm 2023, quận Ngũ Hành Sơn tập trung khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương. Trong đó, quận triển khai xây dựng các dịch vụ du lịch tại Khu phố du lịch An Thượng như: Tổ chức chương trình âm nhạc và vũ hội đường phố; tạo không gian phố đi bộ ở các tuyến đường An Thượng 1, 2, 3, 4, Trần Bạch Đằng, đường Hoàng Kế Viêm… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của người dân, du khách trong và ngoài nước; khai trương Phố đi bộ và thí điểm thực hiện chợ đêm An Thượng trên vỉa hè đường Trần Bạch Đằng với gần 40 gian hàng, bán các mặt hàng ăn uống. Tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm OCOP với 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng lưu niệm và quà tặng phục vụ khách du lịch, một số sản phẩm đặc trưng của quận Ngũ Hành Sơn và các địa phương lân cận.
 
 
Chùa Quán Thế Âm trong ngày diễn ra Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
 
Ngoài ra, Lễ hội Quán Thế Âm đã được nâng cấp trở thành lễ hội cấp thành phố, trong đó tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật dân gian, hô hát Bài chòi, thả diều nghệ thuật… thu hút đông đảo du khách đến thưởng lãm và đem lại những ấn tượng tốt đẹp cho khách tham quan, trẩy hội, gắn kết với các hoạt động phát triển du lịch tại quận và các khu vực liên quan trong, ngoài thành phố.
 
Năm 2023, quận cũng đã triển khai tổ chức sự kiện Hội thi Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Qua cuộc thi này, địa phương giới thiệu đến du khách thưởng lãm về quá trình chế tác, tạo hình nghệ thuật và chiêm ngưỡng tác phẩm hoàn thành từ bàn tay tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc tại làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ non nước. Đây là sản phẩm mới và độc đáo mà quận đang triển khai đánh giá, nghiên cứu và xây dựng đề án tổ chức hằng năm để tạo sản phẩm du lịch đặc thù, mang bản sắc địa phương gắn với hoạt động tham quan Bảo tàng đá mỹ nghệ Non Nước và các sản phẩm du lịch khác có liên quan.
 
Võ Văn Dũng
Nguồn: Báo Dân tộc & miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 13/02/2024

Cùng chuyên mục