“Đánh thức” tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì
Tọa đàm khoa học Phát huy giá trị các phế tích tại Vườn quốc gia Ba Vì.
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn, kiến trúc, cảnh quan, đại diện Chính quyền địa phương và Vườn quốc gia Ba Vì.
Tọa đàm đã đánh giá nhiều khía cạnh: Những ký ức về di sản ở Ba Vì những năm trước 1945; Những tài liệu thiết kế còn lưu giữ được giúp nghiên cứu, khai thác; những cách tiếp cận về văn hóa, bảo tồn, cảnh quan, lịch sử, kiến trúc; đề xuất những giải pháp quy hoạch, lịch sử, kiến trúc; đề xuất những giải pháp đầu tư để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững.
Vườn quốc gia Ba Vì là không chỉ là khu rừng nguyên sinh bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu như một “lá phổi” của cả vùng mà còn mang nhiều giá trị về cảnh quan, rừng... Đặc biệt hơn là giá trị về văn hóa, lịch sử cùng sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã có tuổi hơn 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên, đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Khu di tích K9 làm cho Ba Vì trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn. Điều đó cũng đặt ra bài toán khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Trên thế giới đã có nhiều lời giải hiệu quả bài toán này. Các phế tích cũ được phát triển, cải tạo đã thu hút cộng đồng đến hưởng thụ thắng cảnh và tìm hiểu trực quan những dấu ấn lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không chỉ còn “nằm trong lịch sử”. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp. Ở Việt Nam có nhiều Vườn quốc gia: Tam Đảo, Sa Pa, Cát Bà, Pù Mát, Bạch Mã, Bà Nà, Núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo... Những nơi này đã trở thành những khu du lịch đẹp và hiệu quả, là điểm đến hấp dẫn.
Ở Ba Vì, những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì, với tiêu chí giữ được các dấu tích của người Pháp đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Với những giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng, đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc đồng hành giữa bảo tồn và phát triển.
Vẻ đẹp hoang phế có thể là tài nguyên để phát triển du lịch.
Trong tương lai, để Ba Vì tiếp tục phát triển, các chuyên gia nêu nguyên tắc: Khai thác phải đồng hành với bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên. Từ phía chính quyền cũng cần có chính sách cụ thể về khai thác tài nguyên tại Vườn quốc gia Ba Vì tuân thủ “Luật bảo vệ và phát triển rừng”, xây dựng, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết về khai thác phế tích, phát triển dự án du lịch. Bản quy hoạch này cần cụ thể, chi tiết cho mỗi khu vực, làm rõ khu vực hạn chế can thiệp hoặc không xây dựng, các khu du lịch cộng đồng, các dịch vụ được phép (cắm trại, nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi, trung tâm bồi dưỡng môi trường cho cộng đồng…), xác định những tiêu chí cụ thể về mật độ, chiều cao, vị trí các công trình được tôn tạo khai thác và những phế tích được giữ lại nguyên trạng, quy hoạch để phát triển, hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan, bổ sung động/thực vật để làm giàu tài nguyên thiên nhiên.
Với các phế tích, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp khai thác phục vụ du lịch như: Xây dựng trên phế tích một công trình mới, xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích, giữ nguyên phế tích nhưng cải tạo, nâng cấp để hình thành công trình mới trong đó có sự đan xen giữa mới và cũ cùng với hệ thực vật bám vào phế tích tạo ra những không gian sống mới ấn tượng và đặc sắc, hoặc bảo tồn phế tích thành điểm du lịch kèm theo bản giới thiệu về lịch sử ngôi nhà. Các kết kiến trúc cần hướng đến hòa quyện với thiên nhiên, với phế tích, các công trình cần “nhẹ, thoáng và mềm” được phân bổ theo tuyến, cụm để có hiệu quả trong phục vụ...
Ngoài ra, còn có thể xây trên nền phế tích có cảnh quan đẹp những công trình phục vụ nhu cầu hội họp, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Trên thế giới đã có những mô hình thành công như khu du lịch Genting của Malaysia, cách Kuala Lumpur 56 km, ở độ cao 1.740 m, với nhiệt độ từ 15 độ C - 25 độ C.
Để khai thác tài nguyên nhiều mặt là những phế tích giữa Vườn quốc gia Ba Vì, đích của dự án phải là hiệu quả và sự bền vững, lợi nhuận chỉ là mục tiêu thứ hai. Như vậy không chỉ cần có chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời mà còn cần nhà đầu tư thông minh, có tâm, có tầm và tri thức, cần những đồ án thiết kế sáng tạo và cả sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng để phát triển bền vững. Hội tụ đủ những thành tố đó, có cơ sở để hy vọng và tin tưởng rằng những phế tích giữa Vườn quốc gia Ba Vì sẽ không còn “ngủ” mà sẽ “thức dậy” để đem đến cho văn hóa - lịch sử, cảnh quan - môi trường và kinh tế du lịch những sản phẩm tốt.