Ðầu tư Du lịch

Đào tạo du lịch trong đại dịch Covid-19: ''Di chứng'' sẽ kéo dài 5-10 năm

Cập nhật: 20/07/2021 07:55:51
Số lần đọc: 1148
Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề cho ngành du lịch, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo du lịch sẽ mất thời gian 5-10 năm để có thể phục hồi trở lại.


Thiếu càng thêm thiếu

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhân lực du lịch vốn đã là bài toán nan giải của ngành du lịch. Theo PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn, trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong ngành du lịch, số lượng sinh viên được đào tạo còn rất hạn chế. Các trường mới chỉ đào tạo được khoảng 1/3 nhu cầu của xã hội. Khi số lượng còn chưa đáp ứng được thì chất lượng còn là bài toán khó hơn nữa.

Thế nhưng khi đại dịch Covid-19 "tàn phá" ngành du lịch, số lượng lao động buộc phải chuyển nghề tăng cao, vì nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 12.600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động lên tới 90%, tương đương với 12.168 người.

Khách sạn đóng cửa khiến nhiều lao động ngành du lịch mất việc làm.

Ông Trần Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ cho biết, trong ngành khách sạn, rất khó để nhân sự cao cấp nghỉ việc vài tháng rồi quay lại làm việc khi khách sạn mở cửa. Bởi lẽ trong hoàn cảnh hiện nay, kể cả hoạt động trở lại thì khách sạn cũng không thể trả họ mức lương tương xứng ngay lập tức. Những người lao động chất lượng cao, giàu kinh nghiệm sẽ phải tìm công việc khác để mưu sinh, đây là thiệt hại rất lớn.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng cho biết, thực tế nếu sinh viên ngành du lịch tốt nghiệp trong thời điểm này cũng ít có cơ hội làm việc đúng chuyên môn đào tạo, phải chuyển sang các lĩnh vực khác: "Người lao động chuyển sang lĩnh vực khác hoặc sinh viên du lịch ra trường quen với công việc khác, hứng thú và có thu nhập từ công việc khác thì rất khó quay lại du lịch. Như vậy, dù có đào tạo được nhiều lao động chất lượng cao thì cú sốc Covid-19 càng gây thêm thiếu hụt về nhân lực du lịch".

"Đứt gãy" trong đào tạo du lịch

PGS.TS Phạm Trương Hoàng phân tích, sản phẩm của quá trình đào tạo không dễ để nhìn nhận, đánh giá trong ngắn hạn: “Nếu thay đổi sách giáo khoa cần 5-7 năm để nhìn ra hiệu quả, thì di chứng của đại dịch Covid-19 gây ra cho đào tạo nhân lực du lịch sẽ mất thời gian 5-10 năm để có thể phục hồi”.

“Đào tạo đại học là sự liền mạch, logic và khoa học, gần giống như các nấc thang. Ví dụ, sinh viên năm thứ 2 ngành du lịch phải được đào tạo về mặt thái độ nghề nghiệp, phải đưa ra doanh nghiệp để học thực tế. Tuy nhiên lúc này, khi doanh nghiệp không thể tiếp nhận thì tạo ra 'điểm gãy', mà học online hay tự học không thể thay thế được và ảnh hưởng đến phát triển nghề nghiệp của người học trong dài hạn".

Đặc thù của đào tạo du lịch là gắn liền với thực tiễn. Nguồn: Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Ngoài ra, đào tạo du lịch gắn liền với thực tiễn, mà đại dịch Covid-19 đã cắt mất khâu quan trọng này. "Lúc dịch bùng phát thì sinh viên không thể thực tập, còn khi du lịch mở lại cũng thu hẹp quy mô, lượng khách sụt giảm nên môi trường thực hành bị hạn chế. Trong ngành du lịch, doanh nghiệp đào tạo tốt hơn nhà trường về kỹ năng và thái độ, thế nhưng vì Covid-19 mà sinh viên mất đi môi trường học tập tốt nhất " - PGS.TS Phạm Trương Hoàng đánh giá.

Không chỉ khó khăn trong công tác đào tạo, ngay việc tuyển sinh đầu vào ngành du lịch cũng được dự báo là khó khăn trong thời gian tới. Theo TS Trần Diễm Hằng – Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Hoà Bình, ngành du lịch thiệt hại nặng nề, các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt và số lượng lớn lao động mất việc làm là những tín hiệu xấu, khiến cho các học sinh và phụ huynh giảm niềm tin vào lĩnh vực này.

"Trước đại dịch Covid-19 thì du lịch là một ngành 'hot', các trường đại học và doanh nghiệp bắt tay để đào tạo theo đặt hàng, có cam kết đầu ra. Tuy nhiên hiện nay với số lượng lớn doanh nghiệp đóng cửa, nhiều cơ sở đào tạo không thể cam kết đầu ra trong tương lai gần. Nhân lực mất việc hàng loạt nên gây ra tâm lý e ngại về nghề du lịch cho học sinh và phụ huynh khi chọn trường" - TS Trần Diễm Hằng cho biết.

Xoay chuyển trong đại dịch

Sinh viên học tập trong phòng thực hành nghiệp vụ khách sạn. Nguồn: Trường Đại học Mở Hà Nội

Giữa khó khăn, các cơ sở đào tạo du lịch cũng cố gắng thích ứng và xoay chuyển. Theo TS Trần Diễm Hằng, trước tiên phương pháp giảng dạy phải thay đổi để phù hợp với dạy và học trực tuyến: "Các giáo án đều phải chuyển sang dạng trình chiếu, các môn thực hành thì phải quay video làm mẫu. Chương trình đào tạo cũng phải chỉnh sửa, bổ sung thêm nhiều kiến thức vì các doanh nghiệp sắp tới đây sẽ tuyển dụng những nhân viên đa năng hơn. Các nội dung về thương mại điện tử được chú trọng, vì trong tương lai giao dịch du lịch trực tuyến sẽ ngày càng phát triển".

Trong bối cảnh thiếu môi trường thực hành, trường Đại học Mở Hà Nội vừa ra mắt Phòng thực hành nghiệp vụ khách sạn thông minh dành cho sinh viên khối ngành du lịch, khách sạn. Căn phòng có không gian thực hành 3 nhóm nghiệp vụ cốt lõi của khách sạn là lễ tân, nhà hàng và buồng; với các loại công cụ, thiết bị tương đương chuẩn 5 sao hiện nay.

TS Vũ An Dân - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Du lịch, trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: "Từ kỳ học này, các sinh viên được thực hành về các quy trình 5K, nâng cao nhận thức về dịch bệnh. Để giảm số lượng tập trung trong phòng thực hành, giảng viên sẽ giám sát và truyền tải bài giảng qua hệ thống camera; còn các sinh viên khác cũng theo dõi hệ thống này để học hỏi, rút kinh nghiệm".

Kết quả của cuộc khảo sát tại Mỹ chỉ ra rằng, nhiều nhân viên khách sạn bị mất việc trong thời kỳ đại dịch không muốn quay trở lại ngành, ngay cả khi nhu cầu về dịch vụ du lịch và ăn uống tăng cao trở lại.


Tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Phạm Trương Hoàng nhận định, đào tạo du lịch ở bậc đại học chỉ nên thích ứng chứ chưa cần thay đổi quá lớn: "Đào tạo đại học không thể và không nên thay đổi trong thời gian ngắn. Chúng tôi có những thay đổi mang tính chất thích ứng. Giáo viên phải cố gắng nhiều hơn để phân tích vấn đề, để sinh viên gắn kết giữa thực tế và lý thuyết. Sinh viên sẽ học về Covid-19 với bối cảnh mới, cách quản lý và ứng phó rủi ro của doanh nghiệp du lịch; học thêm về du lịch trực tuyến hay các xu hướng du lịch mới…"

PGS.TS Phạm Trương Hoàng kỳ vọng, quãng thời gian này chỉ như một 'kỳ nghỉ hè', sau đó người học sẽ quay lại với sự tập trung, ý thức và thái độ học tập tốt sẽ có thể bù đắp phần nào yêu cầu của quá trình đào tạo./.

Hải Nam

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT