Dấu ấn điêu khắc công cộng Hà Nội
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh tại vườn hoa Hàng Ðậu, một công trình điêu khắc đẹp của Hà Nội. (Ảnh Mỹ Hà)
Điêu khắc Hà Nội đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Thời kỳ Pháp thuộc, giai đoạn chiến tranh và hòa bình lập lại, đều có những bức phù điêu và tượng đài trong lòng thành phố. Mỗi giai đoạn chuyển mình của Thủ đô, tượng đài, phù điêu được sáng tác với các nội dung phong phú như: Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, phù điêu Hà Nội-Mùa đông 1946, nhóm tượng Công nông binh ở Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô…
Nhiều tượng đài mang tính biểu trưng, lịch sử của Thủ đô như tượng đài Vua Lý Thái Tổ trong không gian hướng ra hồ Hoàn Kiếm trở thành một trong những biểu tượng đẹp của Hà Nội. Tượng đài Vua Lê Thái Tổ, tượng đài Thánh Gióng, tượng đài Vua Quang Trung đều là sự kế thừa của nghệ thuật tượng đài, tạo nên những góc nhìn đa chiều về nghệ thuật điêu khắc.
Với sự mở rộng về diện tích, sự phát triển của các khu đô thị mới và gia tăng nhanh chóng về dân số như hiện nay, Hà Nội dần trở nên thiếu các không gian công cộng và thiếu các tác phẩm điêu khắc kiến tạo nên những không gian nghệ thuật công cộng xứng tầm, phù hợp và làm đẹp môi trường cảnh quan, phục vụ nhu cầu cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật của người dân Thủ đô.
Vấn đề nổi cộm của điêu khắc công cộng ở Hà Nội nằm ở cả tác phẩm và môi trường cảnh quan chung quanh, không gian đặt công trình không phù hợp, thiếu mặt bằng để trưng bày. Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam vào năm 1997, ở Hà Nội, quy tụ các chuyên gia và nhà điêu khắc quốc tế. Sau đó, những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng như Suối, Lữ hành, Hong tóc… được đặt ở công viên Bách Thảo, tạo điểm nhấn cho không gian công cộng này. Ðến nay, gần 30 trại điêu khắc được tổ chức trên cả nước, thành công về mặt tác phẩm, nhưng lại thiếu không gian, vị trí đặt, bối cảnh kiến trúc không có, không tạo sức hút dư luận và công chúng khó tiếp cận, các tượng điêu khắc lại quay về xưởng do không có không gian dành cho tác phẩm.
Có thể nói, kiến trúc công cộng là điểm nhấn của đô thị và điêu khắc công cộng là câu chuyện của tác phẩm tương tác với không gian chung quanh. Ở một số khu đô thị mới hiện đại như Royal City (Thanh Xuân), khu đô thị Nam Cường (Hà Ðông), trong quy hoạch tổng thể ngay từ ban đầu đã dành quỹ đất cho cảnh quan và điêu khắc nhằm tạo điểm nhấn cho khu đô thị. Quảng trường Tứ Mã với quần thể điêu khắc mang phong cách châu Âu hay Công viên âm nhạc với các nhóm tượng về các chủ đề âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… đều tương tác với cảnh quan, trở thành điểm check-in thu hút cư dân hay người tham quan. Còn lại, do đất chật, người đông, hạn chế về không gian đặt, cho nên Hà Nội vẫn đang thiếu những tác phẩm điêu khắc mang dấu ấn, hài hòa với cảnh quan, sản phẩm thì đơn điệu.
Theo kiến trúc sư, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang (Hà Nội): Hiện nay, không gian đô thị ở Hà Nội vẫn thiếu những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Nguyên nhân cho cái thiếu này là do thiếu kết hợp đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể, thiết kế thống nhất, điêu khắc, kiến trúc và cảnh quan. Hằng năm, dịp năm mới, quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đều trưng bày, triển lãm điêu khắc con giáp theo chủ đề năm. Tuy nhiên, các tác phẩm này không đọng lại được giá trị xứng đáng cho tác phẩm điêu khắc công cộng.
Ðiêu khắc công cộng vừa là biểu đạt văn hóa, thể hiện ngôn ngữ của khu đô thị, mang đến không gian nghệ thuật cho cư dân trong khu đô thị và nâng cao thẩm mỹ cho công chúng, vừa thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế. Tác phẩm điêu khắc không chỉ là vật thể đứng riêng lẻ mà cần phải có tính tương tác với cảnh quan và chuyển tải câu chuyện văn hóa. Thiếu vị trí đặt, kiến trúc cảnh quan không có, khó tiếp cận, vì vậy các giá trị về không gian, giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật của tác phẩm đều không được khai thác tối đa giá trị và biểu đạt đúng tầm tác phẩm.
"Hiến kế" cho điêu khắc công cộng Hà Nội, anh Giang chia sẻ, với đặc trưng không gian ngõ nhỏ, phố nhỏ, thiếu bề rộng, hạn chế không gian mặt đất và không có các giao lộ lớn để đặt tác phẩm điêu khắc, nhưng Hà Nội lại có không gian lợi thế về vỉa hè, không gian treo lơ lửng trong các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Nếu biến nhược điểm thành lợi thế thì tiềm năng của điêu khắc công cộng Hà Nội lại rất lớn, trở thành sân chơi cho các nhà điêu khắc có những ý tưởng đặt tác phẩm điêu khắc trong tương lai với bối cảnh chuyển mình của thành phố đang ngày càng phát triển, tạo nên những tác phẩm điêu khắc mang dấu ấn riêng.
Tác phẩm điêu khắc công cộng luôn phải gắn kết với cảnh quan, kiến trúc và môi trường chung quanh. Vì vậy, để có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, các nhà quy hoạch cần dành quỹ không gian, tính toán vị trí, bối cảnh cho tác phẩm điêu khắc. Các nhà đầu tư mời gọi, đặt hàng, bắt tay với nghệ sĩ, các nhà điêu khắc để sáng tác những tác phẩm phù hợp bối cảnh riêng, vị trí riêng, văn hóa riêng của từng không gian, vừa có chiều sâu, giá trị biểu đạt rõ ràng, vừa có ngôn ngữ riêng. Từ đó, nghệ sĩ cũng cần tương tác, giao lưu với cộng đồng, là cầu nối mang nghệ thuật tiếp cận công chúng, góp phần quảng bá và đưa nghệ thuật điêu khắc hòa mình vào nhịp sống đương đại.
Ngọc Liên