Non nước Việt Nam

Phúc Thọ ( Hà Nội) khơi nguồn sức mạnh nội sinh từ di sản văn hóa

Cập nhật: 21/06/2022 15:07:41
Số lần đọc: 1034
Phúc Thọ là vùng đất cổ thuộc xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa. Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, "danh xưng" Phúc Thọ đến nay đã tròn 200 năm. Trên mảnh đất này có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể - nguồn sức mạnh nội sinh để mỗi địa phương phát huy giá trị trong xây dựng quê hương...


Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) hôm nay.

Vùng đất của những di sản...

Tọa lạc trên 1 gò đất cao, đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) vừa cổ kính, vừa trầm mặc. Đền là nơi ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm 40 đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược, giành lại độc lập, chủ quyền cho dân tộc. Sau khi Hai Bà hóa thân về cõi vĩnh hằng, người dân làng Hát Môn đã lập đền thờ trên khu đất khi xưa Hai Bà lập đàn thề ra trận, để làm nơi thờ cúng, tưởng nhớ và ghi sâu công đức Hai Bà. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, đền Hát Môn được tu bổ, tôn tạo khang trang hơn.

Ngày nay, ngôi đền là cả quần thể công trình kiến trúc như: Quán Tiên, đền tạm ngự, cổng tứ trụ, phương đình, đàn thề, nghi môn, hai nhà tả hữu mạc, khu đền chính (gồm đại bái, trung cung, hậu cung), nhà bia, gò giấu ấn, Đền thờ bà Nguyễn Thị Định... là nơi tâm linh thờ tự, nơi giáo dục truyền thống văn hóa của địa phương và là địa chỉ du lịch hấp dẫn nhiều du khách.

Theo cán bộ văn hóa xã Hát Môn Nguyễn Thị Mai, năm 2013, đền Hát Môn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Lễ hội truyền thống đền Hát Môn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nhắc đến Phúc Thọ còn là nhắc tới những ngôi đình cổ kính, có kiến trúc đẹp vào bậc nhất, nhì vùng xứ Đoài. Trong đó, phải kể tới đình Tường Phiêu (xã Tích Giang) và đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp) đều đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Đình Tường Phiêu thờ tam vị đức thánh Tản Viên. Đây là công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn, còn dấu tích xây dựng lâu đời, có nhiều mảng phù điêu độc đáo mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Đứng ở sân nhìn vào, đình như ngôi nhà sàn lớn, được cách điệu uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái và các đầu đao cong. Qua sân lát gạch rộng là tới tòa đại bái, vừa là nơi thờ phụng, vừa là nơi hội họp của dân làng.  Đình Tường Phiêu được trang trí điêu khắc rất tinh xảo... Hiện nay, đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: 3 kiệu rước phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII; 3 bộ ngai thờ bài vị niên đại vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, 3 mâm ấu thế kỷ XIX; 6 đạo sắc phong thời Nguyễn; 3 bát hương cổ bằng gốm Thổ Hà có phong cách nghệ thuật vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX...

Lễ hội đình Tường Phiêu là nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh các nghi thức truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền. Tương truyền, Thánh Tản Viên đã dạy nhân dân nơi đây đánh cá tại dòng Tích Giang. Cho nên, cứ vào dịp lễ hội, dân làng Tường Phiêu thường diễn lại tích Tản Viên dạy dân làng cách đánh bắt cá và dâng lễ vật tại đình...

Đình Hạ Hiệp còn có tên là đình Liên Hiệp hay đình Kẻ Hiệp thờ Hoàng Đạo - danh tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trong những năm 40. Ngôi đình được phục dựng vào thế kỷ XVII, có bố cục gồm: Nghi môn, tiền tế, đại đình, tả vu, hữu vu và các công trình phụ trợ. Đình Hạ Hiệp có thể coi như bảo tàng về nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian, một câu chuyện kể về các sự tích văn hóa, sự kiện đời sống nổi bật của cộng đồng dân cư về tự nhiên và về đức tin của họ thời bấy giờ.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Lê Tiến Hải, hiện trên địa bàn huyện có 201 di tích, trong đó, 105 di tích đã được xếp hạng. Hằng năm, có 68 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân... Đó là những di sản vật thể và phi vật thể mang nhiều giá trị to lớn, không chỉ là niềm tự hào của người dân mỗi ngôi làng mà còn là niềm tự hào của quê hương Phúc Thọ.

Phát huy truyền thống để phát triển

Niềm vinh dự, tự hào là quê hương gắn với tên tuổi, chiến công của Hai Bà Trưng, từ bao đời nay, các thế hệ người dân Phúc Thọ cùng với việc tổ chức xây dựng, tu bổ đền Hát Môn khang trang đã luôn trao truyền, phát huy những sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp để bày tỏ tấm lòng thành kính thiêng liêng, ngưỡng vọng, tri ân công đức của Hai Bà.

Chủ tịch UBND xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Đình Trường cho biết: Đã thành truyền thống, hằng năm, nhân dân Hát Môn đều tổ chức 3 kỳ lễ hội. Trong đó, lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch (ngày hóa của Hai Bà) là lễ trọng. Trong ngày này, rước bánh trôi là nghi lễ hết sức quan trọng và đặc trưng nhất. Người dân 10 cụm dân cư tề tựu tại các nhà văn hóa các thôn để làm bánh dâng lễ về đền nên tinh thần cố kết cộng đồng rất cao. Truyền thống quê hương là động lực để Hát Môn thi đua là điểm sáng của huyện trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, Hát Môn đang phấn đấu để trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Phúc Thọ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao cuối năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết: Giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa không chỉ là tài sản tinh thần để giáo dục truyền thống cho người dân mà còn là những giá trị vật chất thông qua quá trình đưa di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch. Huyện Phúc Thọ đã xây dựng Dự thảo Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phúc Thọ, giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo". Trong đó, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng các điểm du lịch, lập hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận "Điểm du lịch Hát Môn", "Điểm du lịch Tích Giang"; "Điểm du lịch Hiệp Thuận"... Bí thư Đảng ủy xã Tích Giang Cấn Văn Hồng cho biết: Xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trở thành vùng chuyên canh hoa tập trung, quy mô lớn để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa...

Đặc biệt, từ những giá trị truyền thống quê hương anh hùng, Phúc Thọ đã xây dựng và triển khai Đề án "Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ". Mục đích của Đề án là phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cách mạng và giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.

Xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) đã chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, Đề án sẽ được thực hiện ngay trong năm 2022, UBND huyện tập trung bám sát các nội dung của Đề án để chỉ đạo, tổ chức thực hiện đến các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Huyện cũng xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo từng năm; tổ chức quán triệt Đề án tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhằm tạo nguồn sức mạnh tổng hợp đưa huyện phát triển bền vững, đúng định hướng.

Có thể thấy, từ nền tảng là những giá trị lịch sử, văn hóa đang tạo sức mạnh nội sinh để Phúc Thọ xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh, văn minh, sớm trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến. Đây cũng là việc làm thiết thực của Phúc Thọ chào mừng kỷ niệm 200 năm thành lập huyện (1822-2022).

Nguyễn Mai

 

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Ngày đăng 21/6/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT