Lâm Đồng: Chiêm bái công trình kiến trúc tâm linh đặc sắc ở chùa Linh Phước
Điều tạo nên nét độc đáo của chùa Linh Phước là nghệ thuật kiến trúc khảm sành sứ có một không hai trên các công trình đặc sắc, hay các hạng mục kiến trúc quy mô và những hàng tượng Phật
Đặc biệt, hình tượng rồng dường như bao quát toàn bộ kiến trúc ngôi chùa với sự sắp đặt rất công phu, tỉ mỉ trên các hàng cột, trên mái chùa, tường, tay vịn...
Chánh điện dài 33 m, rộng 12 m có 2 hàng cột rồng khảm sành vô cùng khéo léo và tinh tế, bên trên khảm nhiều bức phù điêu giới thiệu về lịch sử Phật Thích Ca và những điển tích trong các kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà
Long Hoa Viên - tác phẩm hình rồng dài 49 m và tượng Phật Di Lặc, được tạo tác từ 12.000 vỏ chai lọ, bắt ánh nắng mặt trời tạo thành chùm tia sáng rực rỡ.
Tòa Linh Tháp 7 tầng cao hơn 37 m, treo Đại Hồng Chung cao 4,3 m, miệng chuông rộng 2,33 m, nặng 8.500 kg, được đúc vào năm 1999, cũng được khảm nhiều hình rồng
Nội điện - nơi thờ 324 bức tượng Quán Thế Âm xếp xung quanh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao đến 17 m, từng giữ kỷ lục tượng Phật trong nhà bằng bê tông cao nhất Việt Nam. Đây là không gian khiến du khách như bị "hút hồn" bởi vẻ đẹp uy mỹ, rất "có thần" của những bức tượng.
Bảo đài Quán Thế Âm Bồ Tát cao 18 m, nặng 3 tấn, do 600 phật tử và 30 nghệ nhân lành nghề tạo tác từ hơn 600 ngàn bông hoa bất tử đến nay vẫn nguyên vẹn - cũng đang nắm giữ kỷ lục Việt Nam
Ngoài ra, chùa Linh Phước còn nắm giữ các kỷ lục quốc gia ấn tượng khác, như: bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam; tượng Khổng Tước Vương bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam...
Không chỉ là một địa điểm du lịch tâm linh, chùa Linh Phước thực sự là một kiệt tác kiến trúc đặc sắc bởi vẻ đẹp lộng lẫy, uy nghi từ chất liệu sành sứ, luôn thu hút du khách đến chiêm bái và ước nguyện bình an...
Tiểu Vân