Bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
Cần bảo tồn ngôn ngữ cùng với bản sắc văn hóa các dân tộc.
GS, TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Ngôn ngữ học cho biết, vấn đề bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều 5, chương I Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Ông đồng thời kiến nghị nên có “Ngày ngôn ngữ Việt Nam” để tôn vinh tiếng Việt và ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc anh em.
PGS, TS Tạ Văn Thông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng nhận định: “Xu hướng hội nhập quốc tế làm tăng nguy cơ suy giảm các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Không những vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam”.
Chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến việc bảo tồn và giữ gìn tiếng nói các dân tộc với các dự án khảo sát và xây dựng các chiến lược lâu dài cho vấn đề này. Tuy nhiên, việc bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là cần tới sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Trong đó, đặc biệt kể đến ý thức, thái độ chủ động của các dân tộc thiểu số. Chính họ phải giữ vai trò chủ thể trong việc nâng cao vị thế của chính dân tộc mình. Có như vậy mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mới có cơ hội phát huy rộng rãi và có hiệu quả cao.
Một trong những giải pháp được thực hiện khá hiệu quả hiện nay là tổ chức học song đồng ngôn ngữ Kinh và ngôn ngữ dân tộc ít người. Nhiều ngôn ngữ đã được đầu tư xây dựng chữ viết, xây dựng các bộ từ điển, các bộ giáo trình học tiếng; nhiều trường học dạy song song chữ dân tộc và chữ quốc ngữ, học sinh theo học các trường này được hỗ trợ học bổng. Các công chức nhà nước, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang công tác tại vùng dân tộc thiểu số được khuyến khích học tiếng dân tộc thiểu số như một sinh ngữ căn bản. Các đài truyền hình, phát thanh trung ương và địa phương đều có kênh, chương trình phát sóng chuyên biệt sử dụng tiếng dân tộc như Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, H’Mông, Thái, Xê Đăng, Tày, Hà Nhì, Hrê, Cơ Tu...
Bên cạnh đó, các phong tục truyền thống mang đậm văn hóa dân tộc cũng được đề cao cùng với sự phục hồi các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa, thể thao… Các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới được dịch song ngữ sang một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số và được in ấn nhằm mục đích truyền bá văn hóa bản địa và đồng thời các từ điển đối chiếu song ngữ. Điều đó đã từng bước nâng cao trình độ ngôn ngữ mẹ đẻ cho đồng bào các dân tộc và nhận thức của bà con trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những hoạt động kể trên bước đầu đã mang lại điều kiện tồn tại cho một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số, từng bước đào tạo và ứng dụng ngôn ngữ ấy trong đời sống thường ngày của đồng bào, đem lại sức sống nội tại cho tiếng nói và chữ viết.
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó có dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số mà ngôn ngữ cũng là một mục tiêu quan trọng. Làm được điều đó, nghĩa là chúng ta đã và đang bảo vệ một tài nguyên quý giá, khai thác một bảo tàng sống, một nguồn du lịch đặc sắc để phát triển kinh tế, xã hội và khẳng định chủ quyền của đất nước.
Phạm Vân Anh