Non nước Việt Nam

Bảo tồn trang phục truyền thống của người K'Ho

Cập nhật: 15/06/2022 05:04:48
Số lần đọc: 773
Trang phục truyền thống là một trong những di sản văn hóa độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng đang được đồng bào tích cực bảo tồn, gìn giữ và phát huy.  


Trình diễn trang phục truyền thống của người K’Ho

Từ lâu đời, cuộc sống biệt lập giữa núi rừng, tự cấp tự túc, săn bắt hái lượm dựa vào thiên nhiên, người K’Ho sớm biết tự dệt vải tự sáng tạo nên trang phục của dân tộc mình. Nghệ nhân K’Tuyn (Đưng K’Nớ, Lạc Dương) cho biết, phụ nữ K’Ho từ nhỏ đã được mẹ, được bà dạy cho cách trồng bông, xe sợi, nhuộm, dệt thổ cẩm, lớn lên thường tự tay làm được trang phục cho cả gia đình. Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống K’Ho đẹp đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo với nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, công phu. Người phụ nữ có khi phải mất cả tháng trời ngồi bên tành ùi (dụng cụ dệt), vừa canh chỉ, tạo hình, sáng tạo nên những họa tiết, hoa văn cách điệu, mô phỏng thế giới nhân sinh sống động, cỏ cây, hoa lá, chim muông, hoạt động lao động sản xuất của con người, hình chữ nhật, hình vuông, hình chữ thập, hình thoi, hình xoáy... Để tạo hoa văn độc đáo, người dệt đã gửi gắm cả tâm huyết, thể hiện khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng, óc thẩm mỹ trên từng sợi chỉ màu, hình ảnh họa tiết như được vẽ sẵn trong đầu, đều đặn phô diễn trên tấm dệt.  

Màu chủ đạo của trang phục K’Ho là màu sẫm, xanh đen tượng trưng cho màu của núi rừng, xen lẫn ít màu vàng, đỏ, trắng làm họa tiết. Đàn ông K’Ho mặc áo chui đầu, đóng khố; riêng phụ nữ, bên cạnh áo và váy quấn quanh thân dưới thì trang phục quan trọng là tấm ùi (tấm vải lớn) bởi tính đa năng của nó và phù hợp với phong tục tập quán: có thể che nắng khi đi nương rẫy, làm khăn choàng khi tắm suối, làm chăn đắp khi trời lạnh, dùng để địu con khi làm mẹ...

Trước nguy cơ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một, những năm qua, ngành Văn hóa tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực đưa trang phục truyền thống trở nên phổ biến trong cuộc sống của đồng bào, trong đó có trang phục của người K’Ho. Ngành đã chủ động tạo môi trường, điều kiện để vẻ đẹp trang phục truyền thống của người K’Ho được phô diễn tại các ngày hội văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, liên hoan bảo tồn di sản văn hóa được tổ chức hàng năm. Từ đó, đồng bào K’Ho ngày càng nhận rõ giá trị, tự hào về vẻ đẹp độc đáo, thêm yêu quý, trân trọng, gìn giữ trang phục của dân tộc mình.

Để có những hoa văn, họa tiết, kiểu dáng của các loại trang phục váy áo thổ cẩm, đồng bào K’Ho đã mất hàng ngàn năm, trải qua bao nhiêu thế hệ tích lũy, chọn lọc, tích tụ kinh nghiệm, sáng tạo. Việc bảo tồn trang phục dân tộc đi đôi với bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, bảo tồn từ cách thức dệt đến cả chất liệu, màu sắc, kiểu dáng, hoa văn. Hiện nay, đã có 3 làng nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đó là làng nghề B’Nớ C (Lạc Dương), làng nghề K’Long (Hiệp An - Đức Trọng), làng nghề Đam Pao (Đạ Đờn - Lâm Hà). Các làng nghề dệt được khôi phục đã truyền dạy cho nhiều người trẻ tuổi, xây dựng nên ý thức trong cộng đồng cùng bảo tồn; đồng thời, tái sáng tạo, tạo dáng cho những trang phục công sở, trang phục học đường, váy cưới thổ cẩm kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại mang tính ứng dụng cao trong đời sống thường ngày.

Hiện nay, tại các buôn làng nơi người K’Ho sinh sống ở Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng... nhiều phụ nữ vẫn tự tay dệt nên những tấm thổ cẩm, may vá trang phục cho người thân trong gia đình; trang phục truyền thống vẫn được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày của đồng bào. Trong các dịp lễ hội, lễ, Tết, những ngày trọng đại của đất nước cũng như của gia đình, dòng họ, người K’Ho đều mặc trang phục dân tộc.

Chị Ka Thoét (thôn Duệ, Đinh Lạc, Di Linh), cho biết, chị luôn cảm thấy mình đẹp nhất khi khoác lên mình váy áo thổ cẩm. Không chỉ lên sân khấu biểu diễn cồng chiêng mà những khi ra phố, đi chơi chị luôn thích mặc váy áo thổ cẩm. Một thực tế cho thấy, sức hấp dẫn của du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt - Lạc Dương sẽ giảm đi nếu không còn hình ảnh đồng bào dân tộc K’Ho dưới chân núi LangBiang xúng xính trong váy áo thổ cẩm. Bảo tồn trang phục truyền thống còn làm nên dấu ấn văn hóa đẹp, có sức ám ảnh, níu chân du khách, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiến hành kiểm kê trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Cụ thể, trong tháng 7-9/2022, sẽ tiến hành điều tra trên thực địa, lập phiếu kiểm kê, lập hồ sơ khoa học trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lạc Dương. Công tác kiểm kê đòi hỏi phải thu thập thông tin thật cụ thể, đầy đủ, phải đảm bảo tính xác thực, cập nhật, toàn diện, khách quan, bao gồm các yếu tố phản ánh hình thức, đặc điểm và giá trị di sản, các vấn đề về khả năng tồn tại, mức độ phổ biến, sức sống của trang phục truyền thống và nghề dệt thổ cẩm. Qua đó, nhận diện xác định các giá trị trang phục truyền thống dân tộc K’Ho nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý, sưu tầm, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; kịp thời ngăn chặn thực trạng trang phục truyền thống bị mai một, biến dạng, xa rời nguyên gốc, góp phần vun đắp tình yêu văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Quỳnh Uyển

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 10/6/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT