Đa dạng hóa cách truyền tải lịch sử
Công nghệ truyền tải nội dung qua tai nghe ở Hỏa Lò thu hút được sự chú ý của du khách.
Nếu như trước đây người trẻ không mấy mặn mà với việc tiếp cận các di tích lịch sử thì hiện nay, nhờ có những phương thức mới như ứng dụng công nghệ, cách thuyết minh trẻ trung mà họ có thể tiếp cận lịch sử một cách dễ dàng, đơn giản hơn. Hàng loạt những cải tiến, đổi mới trong các mô hình giới thiệu về lịch sử đã được phát huy, giúp người trẻ chủ động trải nghiệm tích cực hơn và thêm yêu lịch sử.
Công nghệ giúp lịch sử thêm cuốn hút
Thời gian gần đây, các khu di tích lịch sử, danh thắng, bảo tàng đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách nhờ những cách mời gọi cuốn hút. Tiêu biểu phải kể đến di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), trước đây vốn chỉ thu hút người nước ngoài hoặc các thế hệ người Việt lớn tuổi đến tham quan. Nhưng khoảng hơn nửa năm trở lại đây, Hỏa Lò đã khiến cho giới trẻ tò mò. Khu di tích đã trang bị máy thuyết minh tự động, có vai trò như một thuyết minh viên, truyền tải về 35 mô hình tham quan và các câu chuyện lịch sử về những người tù chính trị đã từng bị giam giữ tại đây. Công nghệ âm thanh giúp du khách cảm nhận một cách chân thật, cảm xúc, thay vì chỉ xem và đọc chú thích.
Được trải nghiệm những hình thức trên, bạn Khánh Hà, sinh viên Trường đại học Hà Nội chia sẻ: “Một phần lý do mình lựa chọn đến Hỏa Lò vì mình biết ở đây có máy radio trang bị cho từng khách tham quan. Có một thiết bị như một người bạn như vậy, mình thấy dễ dàng trong việc tiếp cận lịch sử hơn. Nó khiến cho mình như đang được quay trở về quá khứ, chứng kiến tận mắt những giây phút lịch sử đó”.
Hay như tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, công nghệ quét mã QR được sử dụng rộng rãi tại các điểm trưng bày gắn với các câu chuyện lịch sử như giếng Thiên Quang hay các bia tiến sĩ. Khi quét mã, các thông tin chi tiết về hiện vật sẽ được hiện lên cùng với hình ảnh và những câu chuyện lịch sử liên quan.
Ngoài những yếu tố công nghệ kể trên, lịch sử còn được truyền tải qua những thước phim sống động tại Hoàng thành Thăng Long, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Thay vì nghe và đọc chú thích để hiểu về hiện vật, khu di tích đã chiếu những thước phim tư liệu để du khách tham quan hiểu hơn về quá trình khai quật các cổ vật. Các hình ảnh được biểu hiện trực quan, mầu sắc rõ nét. Từ đó, người xem dễ dàng hình dung về các thành phần, bộ phận của di tích một cách dễ dàng.
Không gian hiện đại trong di tích cổ
Vẫn giữ lại những nét kiến trúc ban đầu, tuy nhiên một số điểm đến đã làm mới mình bằng những không gian mở và thiết kế hiện đại. Tất cả các yếu tố tác động tới giác quan du khách đều được khai thác triệt để, mang lại sự chân thật, giúp du khách như đang được trải nghiệm tại chính thời điểm lịch sử ấy. Nhà tù Hỏa Lò có cách bài trí ánh sáng mang kết hợp những hiện vật trưng bày được chiếu đèn ánh sáng trắng, tạo cho người tham quan có cảm giác như đang ở trong nhà tù thật. Ở đây, cũng có những tấm background tham quan check in, được thiết kế phù hợp thanh thiếu niên hiện nay.
Thú vị hơn, khi đến Hoàng thành Thăng Long, khách tham quan lại được trải nghiệm một không gian hoàn toàn mở. Thay vì bài trí như những bảo tàng thông thường, thì giờ đây mỗi khu vực, chủ đề sẽ được sắp xếp một không gian riêng. Những bạn trẻ “ngại” đọc chú thích “dài lê thê” sẽ biết được mình đang thấy cái gì, ở khoảnh khắc nào của lịch sử. Đặc biệt, những hiện vật không phô ra hết như trước mà sắp xếp theo các không gian dạng dích dắc, kích thích sự tò mò của du khách. Bạn Khánh Linh, du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long cảm nhận: “Lần đầu tiên mình đến đây nhưng các khu vực, phòng trưng bày riêng cho mỗi chủ đề đã tạo cho mình có cảm giác như đi xuyên suốt trong cả quá trình lịch sử chứ không chỉ đơn giản là đang tham quan ở một khu di tích nữa”.
Để du khách có trải nghiệm vui vẻ và thoải mái, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã mở rộng thêm các khu vực như Thư Quán - một góc nhỏ của Văn Miếu. Đây không chỉ là nơi dừng chân mà còn là một điểm đến thưởng thức nghệ thuật của Hà Nội xưa cũ. Triển lãm tranh hiện đại lần đầu tiên diễn ra trong khuôn viên Văn Miếu đã được tổ chức tại đây. Không gian mới, công nghệ mới hứa hẹn sẽ tạo sức hút mạnh mẽ cho các điểm đến lịch sử trong thời gian tới. Những công nghệ và thiết kế kể trên sẽ là gợi mở thú vị, truyền cảm hứng xây dựng và “trẻ hóa” các điểm đến khác.
Cuốn “Sử Việt 12 khúc tráng ca” của tác giả Dũng Phan, khái quát công lao của các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Quang Trung...,trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước đã được kể một cách mềm mại, hùng tráng, hấp dẫn, gây sự tò mò.
Bài và ảnh: Trần Thủy, Hoàng Yến