Để di sản Khắp Nôm (Lào Cai) vang mãi
Sức sống bền bỉ của Khắp Nôm không chỉ xuất phát từ vai trò đặc sắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Tày địa phương mà còn từ tình yêu văn hóa dân tộc và trách nhiệm của mỗi thế hệ, những nghệ nhân dân gian, những con người tâm huyết với văn hóa dân tộc đang chung tay cùng người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong đời sống mới.
Sau những giờ vất vả với công việc đồng áng, các bà, các chị trong Câu lạc bộ Khắp Nôm thôn Làn, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn (Lào Cai) lại tụ họp để luyện tập. Ảnh: baolaocai.vn
Sức sống bền bỉ
Cùng với sản phẩm dệt thủ công truyền thống, giai điệu Khắp Nôm chính là sản phẩm “nhận diện” về miền di sản người Tày ở vùng đất Văn Bàn. "Khắp" theo tiếng địa phương là "hát". Khắp Nôm có thể hiểu là hát về những điều bình dị, thân quen quanh ta; là một hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian, hình thành ngay trong đời sống thường ngày của người Tày từ thuở xa xưa. Tại huyện Văn Bàn, hầu hết các địa phương mà người Tày sinh sống đều biết Khắp Nôm.
Trong vốn văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày, Khắp Nôm là những lời ru, điệu hát lên nương, trong lễ mừng cơm mới, trong rộn rã ngày hội xuống đồng, trong ngày lễ, Tết… Ra đời ngay trong đời sống sinh hoạt của người Tày, tồn tại song hành với mọi hoàn cảnh buồn vui của con người, nội dung Khắp Nôm chủ yếu là lời tự sự, giao tiếp được thể hiện bằng câu hát trao gửi tâm tình những ý nguyện của con người với con người, con người đối với thiên nhiên trời đất...
Trước đây, Khắp Nôm cổ thường nói về hiện tượng thiên nhiên: Hát về gió, về 12 tháng trong năm, về những mùa hoa trong năm... Những lời ru cổ xưa thường rất tinh tế, dí dỏm vừa hợp với tư duy trẻ thơ, vừa phản ánh khá rõ nét, cụ thể về nền văn minh lúa nước. Các bài hát ru Khắp Nôm đều có cấu trúc âm ngữ như đồng dao. Ứ noọng nèn/Nèn đắc nèn đí/Nèn tha ý mẻ mà/Mẻ pây thổng au pja/Mẻ pây nà au luổm...(tạm dịch: Ứ em ngủ/Ngủ kỹ ngủ say/Ngủ chờ mẹ đi về/Mẹ ra đồng lấy cá/Mẹ ra ruộng bắt muỗm...)
Hình thức biểu hiện và không gian sinh hoạt văn hóa chủ yếu trong Khắp Nôm có ba dạng cơ bản. Đó là: khắp đơn, khắp đôi, khắp đông người. Mỗi cách thức hát đó đều gắn với những không gian sinh hoạt văn hóa cụ thể. Do đó, không ít những cặp trai gái nên duyên chồng vợ từ Khắp Nôm. Những lời giao duyên tỏ tình trong Khắp Nôm thường nhẹ nhàng và tế nhị, không vồ vập: “Nương em còn rộng không để anh xin thầy mẹ sang đỡ em, đồng ý không? Ruộng em đã cấy xong chưa, để anh xin thầy mẹ sang nhổ mạ cấy giúp em?…”. “Nương em rộng dài lắm, anh có dám bỏ bác mẹ sang giúp em không?"...
Là một hình thức sinh hoạt văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác với sức sống bền bỉ qua nhiều thế hệ, Khắp Nôm Tày vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang giá trị văn hóa và giá trị khoa học. Khắp Nôm hàm chứa giá trị lịch sử cội nguồn dân tộc, các giá trị về tri thức văn hóa dân gian trong canh tác nông nghiệp, tín ngưỡng văn hóa tâm linh, phong tục tập quán và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong cộng đồng của người Tày.
Khát vọng tiếp nối
Làn điệu Khắp Nôm của người Tày Văn Bàn luôn được gìn giữ bởi chính cộng đồng dân tộc địa phương và các nghệ nhân dân gian - những người luôn đau đáu, mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với khát vọng tiếp nối, gìn giữ để cho thế hệ mai sau biết đến nguồn cội, biết đến câu dân ca mà ông cha trao truyền lại.
Tuổi thơ của Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Quản (sinh năm 1962, thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung) được thấm đẫm bởi làn điệu dân ca Khắp Nôm của dân tộc mình. Từ lời ru trong nôi, lời ru bên nương đến các lời ca cổ vũ tinh thần lao động sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa, quê hương đất nước..., các cung bậc của Khắp Nôm gắn bó với bà từ khi là thiếu nữ đến nay.
Bà Hoàng Thị Quản nhớ lại, hồi bé theo mẹ ra đồng được nghe các cô các chị "khắp" Nôm, cả một cánh đồng rộng lớn vang vọng tiếng cười đùa và tiếng hát đầy mê say. Tiếng hát khiến cho mọi người quên đi vất vả, chỉ còn niềm vui, niềm lạc quan yêu đời trong lao động hăng hái. "Rồi lúc ở nhà, nghe mẹ tôi tự “khắp” một mình trong khi dệt vải, cán bông và nội trợ… tôi nhẩm theo. Dần dần, những giai điệu nhẹ nhàng tình cảm ấy, tôi đã thuộc lòng".
Kể từ đó, lúc nào bà Quản cũng tràn đầy nhiệt huyết với giai điệu Khắp Nôm. Chính vì vậy, năm 2012, khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, bà Quản càng đau đáu hơn với suy nghĩ làm thế nào để lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là làn điệu Khắp Nôm.
Bà Hoàng Thị Quản trăn trở: Lớp trẻ bây giờ có xu hướng yêu thích cái mới, hiện đại. Dần dần, những nét đẹp trong phong tục, văn hóa truyền thống của người Tày được chắt chiu qua nhiều thế hệ đang dần mai một. Trong khi đó, lớp người cao tuổi am hiểu và biết hát dân ca ít dần theo năm tháng. Vì đặc điểm của Khắp Nôm là truyền miệng, bà đã phải cất công nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu nôm cổ từ những vị lão niên ở địa phương.
Bà Hoàng Thị Quản chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ Khắp Nôm của xã. Cùng với đó, bà thường xuyên trao truyền Khắp Nôm và dạy múa then cho các thế hệ trẻ của xã. Bà đề xuất đưa nội dung này vào các giờ học ngoại khóa của Trường Trung học Cơ sở và Trường Tiểu học Khánh Yên Trung. Từ năm học 2016 đến nay, bà đã tổ chức được hàng chục buổi hướng dẫn kỹ năng hát Nôm, múa Then cho hơn 300 học sinh.
Những nghệ nhân như bà Quản đã đóng góp không nhỏ trong việc lan tỏa và duy trì sức sống mạnh mẽ của làn điệu Khắp Nôm tại địa phương. Bởi vậy, ngoài những bài Khắp Nôm cổ, hiện nay, tại Văn Bàn, nhiều bài Khắp Nôm sáng tác mới xuất hiện để cổ vũ phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, không thách cưới, không tảo hôn, thi đua xây dựng nông thôn mới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...
Năm 2018, Khắp Nôm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành niềm vinh dự, tự hào của đồng bào Tày huyện Văn Bàn nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung.
Văn Bàn hiện đã thành lập 12 Câu lạc bộ Khắp Nôm tại các xã, thị trấn. Để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao giá trị của Khắp Nôm, huyện thường xuyên tổ chức Liên hoan Hát Nôm Tày với sự tham gia của hàng trăm diễn viên không chuyên, nghệ nhân dân gian đến từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Tham gia Liên hoan, các diễn viên trổ tài thi hát dân ca (bao gồm hát đơn hoặc hát đôi, hoạt cảnh, trích đoạn các nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày) và dân vũ (bao gồm các điệu múa truyền thống của dân tộc Tày tại địa phương) với chủ đề chính là ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi quê hương Lào Cai, quê hương Văn Bàn đổi mới và phát triển, ca ngợi công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Lương Thanh Hương, thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan, huyện kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Các nghệ nhân và cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm ghi chép lại toàn bộ di sản một cách hệ thống, xây dựng thành ngân hàng dữ liệu, từ đó khai thác phát triển thành sản phẩm để di sản có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Hương Thu