Để du lịch TP Hồ Chí Minh đột phá
Xe bus hai tầng tạo thêm điểm nhấn cho du khách tại TP Hồ Chí Minh.
Đón hàng chục triệu lượt khách trong nước và quốc tế
Ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu khi dịch Covid-19 được khống chế: Du lịch khởi động lại và ước đạt 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Cụ thể, đang thí điểm đón khách quốc tế theo hai giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 (từ tháng 1 đến 3/2022), khách là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia cần có hộ chiếu vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh). Đối với khách dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều, cần thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định của Bộ Y tế.
Còn giai đoạn 2 (tháng 4 trở đi), điều kiện đối với khách du lịch quốc tế tương tự giai đoạn 1, tuy nhiên mở rộng thêm nhiều đối tượng như khách du lịch từ 18 - 65 tuổi.
Để thu hút khách quốc tế, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Cẩm Tú cho hay, thành phố xây dựng kế hoạch cho các hoạt động xúc tiến nước ngoài năm 2022 như: Tham gia gian hàng tại các hội chợ du lịch quốc tế trực tiếp và trực tuyến; các hoạt động của các tổ chức du lịch quốc tế mà TP Hồ Chí Minh là thành viên; phối hợp Sở Ngoại vụ và cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, khảo sát điểm đến du lịch thành phố; tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch thành phố qua các kênh quốc tế…
Đối với khách nội địa, cũng có hai kịch bản, gồm: Thứ nhất là tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới, khách du lịch nội địa đến cuối năm 2022 ước đạt 25 triệu lượt. Thứ hai là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách nội địa đến cuối năm 2022 ước đạt 18 triệu lượt.
“TP Hồ Chí Minh đã là vùng xanh nên tôi nghĩ năm 2022 lượng khách đến với thành phố sẽ tăng nhanh chóng và ngành du lịch sẽ đạt được mục tiêu đề ra”, chị Nguyễn Hồng Bình (ngụ phường Bến Nghé, quận 1) nói.
Về phía các doanh nghiệp làm du lịch, cũng chủ động trong từng kế hoạch đề ra để thu hút khách. Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn cho biết, không chỉ có các dòng tour trải nghiệm, tour cao cấp tiêu chuẩn từ 5 sao trở lên, doanh nghiệp đang triển khai các sản phẩm tour kích cầu du lịch, đồng hành quảng bá tour tuyến cùng ngành du lịch TP Hồ Chí Minh. Đơn cử như tour “Cánh đồng bất tận” khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi Mộc Hóa - Long An; tour về Cần Đước khám phá xứ Chợ Đào; tour khám phá thành phố Thủ Đức bằng bus đường sông… “Các tour này được du khách đánh giá cao, hứa hẹn tạo sức bật cho du lịch thành phố nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung”, ông Mẫn cho hay.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đã mở ra bước ngoặt mới cho ngành du lịch. Đây là tín hiệu vui, gửi đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, hiếu khách và sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan, du lịch. Điều này cũng là sự khích lệ rất lớn đối với ngành du lịch sau 19 tháng không đón được vị khách quốc tế nào.
Để đạt được những mục tiêu trên, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ngành du lịch thành phố sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
Đa dạng hình thức du lịch tại TP Hồ Chí Minh.
Linh hoạt trong cách làm
Tổng Giám đốc Công ty CP du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho rằng, một trong những yếu tố để du lịch TP Hồ Chí Minh có thể phục hồi nhanh chóng là sự đồng bộ các chính sách giữa thành phố với các tỉnh, thành phố, đơn cử như sự nhất quán trong tiêu chí kiểm soát dịch với nhau; đồng bộ quy định về giao thông vận tải, di chuyển giữa các vùng, địa phương với nhau. Từ đó, các doanh nghiệp lữ hành chủ động nắm bắt thông tin để xây dựng kế hoạch kinh doanh phục vụ khách hàng.
Trao đổi với Thời Nay, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay, kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch thành phố trong năm 2022 theo nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn”. Trong đó, thị trường nội địa được xác định giữ vai trò chủ lực và xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của thành phố để công tác xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao nhất.
Nhằm sớm lấy lại vị thế vốn có của ngành du lịch thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đề nghị các sở, ngành và doanh nghiệp tập trung xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030; tiếp tục công tác tham mưu cho UBND thành phố có trọng tâm; triển khai kế hoạch đón khách quốc tế an toàn; đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành và doanh nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch mới và nâng chất sản phẩm truyền thống.
Đồng thời, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện những đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng... để đóng góp thiết thực vào mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. “UBND thành phố sẽ luôn ưu tiên nguồn lực và cam kết đồng hành cùng ngành du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch trên địa bàn phục hồi và phát triển ngành thời gian tới”, bà Thắng khẳng định.
Suốt thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã trực tiếp đến nhiều tỉnh, thành phố để khảo sát các điểm du lịch, làm việc với lãnh đạo các địa phương với những chương trình và kế hoạch cụ thể cho quá trình liên kết và phục hồi: “Trong điều kiện thích ứng an toàn, khi làm việc với các địa phương chúng tôi bàn bạc rất kỹ. Với tinh thần năng động sáng tạo của các doanh nghiệp, tôi nghĩ các doanh nghiệp sẽ thích ứng, từ việc ăn uống, đến tổ chức tour. Vừa phát triển du lịch nhưng vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch bệnh”.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục chủ động linh hoạt công bố lộ trình phục hồi du lịch. Trọng tâm là sản phẩm du lịch nội đô, khai thác thế mạnh của địa phương. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục tham mưu đề xuất ban hành chủ trương phù hợp làm tốt định hướng phát triển du lịch trên địa bàn; tập trung thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19, đón khách quốc tế đến thành phố.
Cũng theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm nay, ngành công nghiệp không khói sẽ có nhiều thời cơ lẫn thách thức. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa tiếp tục là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam. Toàn ngành ưu tiên bảo đảm an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm nay ngành du lịch cả nước sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”. Tổng thu từ du lịch năm 2022 dự kiến khoảng 400 nghìn tỷ đồng.
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thông tin, từ ngày 31/1 đến ngày 6/2 (29 tháng Chạp đến mồng 6 Tết), tổng doanh thu ngành du lịch thành phố đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Trong đó, lượng khách đến tham quan dịp Tết đạt 300 nghìn lượt, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng; khách lưu trú với 500 nghìn phòng, doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng và cao nhất là khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, vận chuyển... đạt 1 triệu lượt, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng.
Bài & ảnh: Thành Nam, Quang Sơn