Hành trang lữ khách

Để sinh động hơn những tour du lịch về miền giếng cổ Gio An (Quảng Trị)

Cập nhật: 11/05/2021 15:42:04
Số lần đọc: 859
Đón đoàn famtrip quảng bá du lịch, kết nối tour “Đi tìm báu vật Chămpa trên đất Quảng Trị” cho học sinh hay đón các em nhỏ về trải nghiệm làm nông dân… là những hoạt động gần đây diễn ra tại Gio An. Địa danh này ngày càng được nhiều người biết đến sau những trải nghiệm và cảm nhận thực tế từ những người trong cuộc.

Các em nhỏ thích thú khi được trải nghiệm tour du lịch “Đi tìm báu vật Chămpa trên đất Quảng Trị” ở Gio An - Ảnh: L.T​

“Đi nhiều lần rồi mà vẫn chưa đi được hết xã, vẫn có nhiều câu chuyện muốn nghe và mong có người thổi hồn vào những điều thú vị và bí ẩn nơi đây. Nhưng hôm nay mình may mắn gặp lại một người anh-người rất gắn bó và am hiểu về lịch sử của đất và người Gio An. Ai về Gio An, cần một hướng dẫn viên tận tâm thì liên hệ anh Lê Phước Hiếu nhé…”. Dòng thông tin đăng trên trang facebook cá nhân của chị Nguyễn Thị Hải Oanh - người khởi xướng thành lập Amazing English Tour - sau chuyến khảo sát, tiền trạm về giếng cổ Gio An để thực hiện tour “Đi tìm báu vật Chămpa trên đất Quảng Trị” khiến nhiều người tò mò muốn tìm hiểu. Chỉ một ngày sau khi đăng thông tin trên, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con, em mình tham gia tour du lịch ý nghĩa này.

Đến đầu tháng 4/2021, Amazing English Tour phối hợp UBND xã Gio An tổ chức thành công tour du lịch “Đi tìm báu vật Chămpa trên đất Quảng Trị” cho 35 học sinh đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Sự xông xáo, nhiệt huyết của các bạn trẻ đã mang đến sự mới mẻ, hấp dẫn với những trải nghiệm đầy thú vị trên mảnh đất này. Các em học sinh đam mê tour du lịch giáo dục vừa được cung cấp những kiến thức bổ ích, vừa được trải nghiệm tắm giếng cổ ngàn năm tuổi; học tiếng Anh chủ đề “Lịch sử và du lịch”, trải nghiệm thu hoạch rau xà lách xoong; thưởng thức đặc sản ẩm thực cơm gà đồi kho sả và bánh bột lọc trộn rau xà lách xoong. “Khi hòa mình vào dòng nước mát lành của giếng cổ thì hiểu được nguồn cuội của di tích - những báu vật quý giá của người Chămpa còn lưu lại trên mảnh đất anh hùng này. Chính vì điều này mà tôi đã đi về Gio An rất nhiều lần để khảo sát, tìm hiểu và kết nối được những con người am hiểu mảnh đất này như anh Hiếu. Nhờ câu chuyện anh Hiếu dẫn dắt nên tour “Đi tìm báu vật Chămpa trên đất Quảng Trị” đã để lại ấn tượng cho các bạn học sinh. Các em được trải nghiệm những gì rất hiện hữu ở cuộc sống xung quanh như cây cỏ, đá, nước, lội bùn, tắm giếng cổ, thu hoạch rau... Được mục sở thị các di tích lịch sử, văn hóa bước ra từ những trang giấy khô khan”.

Sau tour “Đi tìm báu vật Chămpa trên đất Quảng Trị”, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, chính quyền và người dân Gio An đón đoàn famtrip gồm đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương và địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, tìm hiểu để quảng bá một điểm đến, mở ra những cơ hội phát triển du lịch địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Phước Hiếu chia sẻ: “Gio An là một trong rất nhiều điểm đến của đoàn famtrip đảo Cồn Cỏ và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử tỉnh Quảng Trị trong khuôn khổ chương trình khai trương mùa du lịch biển, đảo năm 2021 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức. Để đảm bảo về mặt thời gian, chúng tôi chỉ dẫn đoàn đến tham quan 3/14 di tích giếng cổ đại diện đó là: Giếng Ông, giếng Bà ở thôn Hảo Sơn (đặc trưng giếng hình bầu); hệ thống giếng Trạng ở thôn An Nha (đặc trưng giếng máng tự chảy) và bố trí để đoàn tham quan, mua sắm tại một cửa hàng giới thiệu nông sản đặc trưng của địa phương. Điểm thú vị là đoàn đã lưu lại ở điểm đến Gio An lâu hơn thời gian dự kiến ban đầu và các thành viên trong đoàn đã mua hết 80 - 90% các mặt hàng nông sản đặc trưng giới thiệu tại cửa hàng phần nào cho thấy sự thành công của địa phương trong giới thiệu điểm đến với đoàn famtrip”.

Sở hữu hệ thống giếng cổ độc đáo có niên đại hàng ngàn năm, những năm gần đây xã Gio An được định hướng phát triển thành điểm du lịch cộng đồng để đón đầu chủ trương kết nối tuyến du lịch tâm linh Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trong vai trò “miền giếng cổ” Gio An sẽ là điểm nhấn. Du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế cho người dân. Không chỉ tạo thu nhập ổn định mà loại hình du lịch này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung đầu tư tôn tạo hệ thống giếng cổ, hình thành cảnh quan xung quanh khu vực các giếng cổ bằng hình thức tạo ra các bờ ruộng và các loại hoa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; xây dựng các tuyến đường thôn mang đặc trưng như đường đá mồ côi xuống giếng cổ, đường chè, đường hoa… xã cũng đồng thời phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo phương thức canh tác hữu cơ, phù hợp với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, tỉnh. Dù vậy, việc khai thác du lịch của địa phương vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Từng nhiều lần dẫn khách về Gio An, Hải Oanh chia sẻ: “Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Gio An hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Gio An vẫn còn sơ khai, địa phương cần xây dựng kế hoạch dẫn khách tham quan hệ thống giếng cổ bài bản; hướng dẫn viên phải chuyên nghiệp, am hiểu về lịch sử vùng đất này để dẫn dắt, kết nối thông tin thành một câu chuyện về nguồn hấp dẫn mới có thể thu vé, tạo nguồn thu cho điểm đến. Vì vậy, tôi nghĩ địa phương cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này, có thể tập huấn, đào tạo từ người dân địa phương hoặc cung cấp thông tin cho các đơn vị lữ hành bố trí hướng dẫn viên đảm nhiệm. Bởi nếu khách tham quan đến đây theo hình thức tự phát thì điểm đến này sẽ không để lại ấn tượng gì và địa phương cũng không có thêm nguồn thu nào từ du lịch”.

 

 Lâm Thanh

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục