Tiếng trống thép trên cao nguyên
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu vừa đệm trống vừa hát.
“Đĩa bay” từ Thụy Sĩ
Không rõ tiếng trống thép hay tiếng hát của Nguyễn Thị Ngọc Hiếu mà tôi được nghe lần đầu trong một clíp trên YouTube lại hấp dẫn mình đến vậy, chỉ biết rằng tôi sẵn sàng đi cả chặng đường dài từ Hà Nội vào Đà Lạt để tìm bằng được cô, trước là muốn nghe cô hát và sau là để hiểu rõ hơn thứ nhạc cụ lạ mắt rất giống với chiếc đĩa bay vốn chỉ thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Kế hoạch là vậy nhưng rồi sau khi di chuyển hơn 13 km từ trung tâm TP Đà Lạt tới Đường hầm điêu khắc Đà Lạt nằm ở ngoại ô, tôi đã không gặp được Ngọc Hiếu. Vốn cứ nghĩ cô luôn biểu diễn ở đây vào các ngày trong tuần nên khi không thấy cô, tôi đâm hoang mang vì trong tay không có số điện thoại của Hiếu và cũng chẳng biết cô đang sống ở đâu. Thậm chí, tôi đã sợ hay Ngọc Hiếu không còn biểu diễn tại đây nữa vì một lý do nào đó.
Trong lúc lang thang dọc Đường hầm điêu khắc Đà Lạt để tìm câu trả lời, thật may là tôi gặp được một người bạn thuê chung gian hàng với Ngọc Hiếu ở đó và biết rằng cô chỉ nghỉ ngày hôm đấy do bận việc gia đình. Thực tế, ngoài hỏi người bạn đang ngồi viết thư pháp này, tôi cũng có thể hỏi được thông tin của Ngọc Hiếu từ số điện thoại ghi trên tấm vé vào cửa Đường hầm điêu khắc Đà Lạt, ít nhất là tôi nghĩ thế.
Xem ra cuộc tìm kiếm của tôi không đến mức quá thất vọng. Thế nhưng, trước khi hy vọng vừa được nhen lên thì đã bị dập tắt chỉ vì Ngọc Hiếu không nghe điện thoại sau hàng chục cuộc gọi của tôi. Mãi đến buổi tối hôm sau nữa, tôi mới liên lạc được với cô gái chơi “đĩa bay” và có được cái hẹn tại nhà cô ở một khu chung cư nằm trên đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt. Đúng là không thể ngờ bởi tôi đã đi qua con đường này không biết bao nhiêu lần chỉ vì ở đây có nhiều đồ ăn ngon, lại khá gần chỗ tôi nghỉ. Dĩ nhiên, nếu gặp được Ngọc Hiếu tại Đường hầm điêu khắc Đà Lạt vẫn sẽ tốt hơn bởi tôi có thể trực tiếp xem cô chơi trống thép, nghe cô hát trong sự tò mò xen lẫn sự quan tâm của những người khách du lịch, giữa không gian rộng lớn chỉ có đất, trời và những cánh rừng thông bạt ngàn. Thay vào đó, khung cảnh cho cuộc gặp của chúng tôi giờ đã được thu hẹp lại trong một quán cà-phê được bài trí đẹp mắt nằm ngay dưới chung cư trên đường Phan Đình Phùng và khá yên tĩnh.
Ngọc Hiếu xuất hiện hoàn toàn trái với hình ảnh mà tôi đã thấy trên YouTube, gầy hơn, hốc hác hơn. Vì thế, trước khi hỏi han cô kỹ hơn về cuộc sống, sự nghiệp ca hát, tôi muốn nghe cô giới thiệu qua về “chiếc đĩa bay” mà cô mang theo. Ngọc Hiếu cho biết, họ quen gọi là trống thép chứ thực tế, tên nhạc cụ là Hang drum. Năm 2000, hai người Thụy Sĩ là Ph.Rô-nơ (Felix Rohner) và X.Ca-rơ (Sabina Scharer) đã cải tiến nhạc cụ này rồi giới thiệu Hang drum tại Hội chợ âm nhạc Phrăng-phuốc (Đức) năm 2001. Cái tên của nhạc cụ có nguồn gốc từ hai từ “bàn tay” trong phương ngữ tiếng Đức ở Thụy Sĩ (Bernese German). Điều đáng nói là trống Hang là kết quả của công trình nghiên cứu âm học và luyện kim trong nhiều năm, kết hợp với việc thử nghiệm loại chảo thép (steelpan) cho tới những nhạc cụ từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả cồng chiêng của chúng ta,…
Trống Hang gồm có hai bán cầu kim loại ghép vào nhau (mỗi bán cầu có những lớp kim loại chồng lên nhau), đường kính thường là 53 cm, cao 24 cm và nặng 3,7 kg. Một bán cầu có mặt trên gọi là Ding, bán cầu còn lại có mặt gọi là Gu. Mặt Ding chứa tám nốt hình thành “vòng âm”, vòng này bao quanh một núm ở trung tâm gọi là Ding (giống như núm chiêng). Trên mặt Gu có một lỗ thoát âm ở giữa gọi là Gu.
Vừa giới thiệu, Ngọc Hiếu đặt trống trên hai đùi của mình, cũng có thể đặt nó trên giá đỡ như cô nói, và lướt nhẹ các đầu ngón tay lên những vòng âm. Trong sự yên tĩnh của quán cà-phê, thứ âm thanh phát ra từ trống thép thật trong trẻo và vang xa. Nếu không nhìn Ngọc Hiếu chơi, tôi sẽ nghĩ đó là tiếng chuông gió ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt nằm trên cung đường đi Đường hầm điêu khắc Đà Lạt mà tôi đã vào và đã được nghe trước mỗi cửa phòng của thiền viện.
Tuy nhiên, gõ được từng nốt trên Ding là một chuyện, còn vừa đệm vừa hát lại là một chuyện khác. Và chẳng để tôi chờ lâu, Ngọc Hiếu cất tiếng hát bài Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn. Nhìn những mùa thu đi/em nghe sầu lên trong nắng/và lá rụng ngoài song/nghe tên mình vào quên lãng/nghe tháng ngày chết trong thu vàng… Lời ca nhẹ nhàng, sâu lắng và cuốn hút, tôi nghe mà cứ ngỡ mình như đã thuộc về Đà Lạt từ thuở nào, bởi tôi có thể cảm nhận rõ cái cảm giác se se lạnh thoắt ẩn, thoắt hiện trong sương sớm hay cơn mưa chợt ào đến rồi đi trong ngày đầu tiên tôi đến đây đầy quen thuộc mà chắc chắn, phải sống đủ lâu ở thành phố này, người ta mới có được suy nghĩ đó, cảm nhận đó.
Cuốn theo tiếng gọi tình yêu
Đành rằng Đà Lạt có nhiều điều để một lữ khách như tôi phải nhớ đến và sẽ nhớ mãi nhưng thử hỏi, trong sự yên bình của những dốc đồi, giữa những vườn hoa rực rỡ sắc màu của cẩm tú cầu, lavender, hoa đuôi công…, bên những cánh rừng thông lặng lẽ, trước những biệt thự im lìm đứng bóng, ẩn hiện trong những làn sương mỏng, liệu có khung cảnh nào thích hợp hơn khi được nghe một bài hát trữ tình của Trịnh Công Sơn hay Ngô Thụy Miên với tiếng trống thép đệm có âm thanh du dương, trong trẻo, bên ly cà-phê nóng. Thế mới nói, việc Ngọc Hiếu đến với Đà Lạt, đến với trống thép như là cái duyên bởi ai có thể nghĩ được cô sẽ rời khỏi chốn phồn hoa đô thị của TP Hồ Chí Minh và lên cao nguyên này; ai có thể nghĩ được cô sẵn sàng vứt bỏ những năm tháng bận rộn của một kiểm soát viên ngân hàng chỉ để ngày ngày biểu diễn kiếm tiền nơi Đường hầm điêu khắc Đà Lạt hoặc đâu đó cùng với chồng cô, nghệ sĩ, nhạc sĩ Huỳnh Tấn Vũ, người có thể chơi được các nhạc cụ như sáo didgeridoo, trống gỗ djembe và trống thép. Vậy mà cô đã làm thế vào năm 2015, khiến không chỉ một người như tôi bất ngờ mà ngay đến những người thân của cô cũng sửng sốt, khó tin. Thậm chí, họ cho rằng cô đã có một quyết định sai lầm và sẽ phải hối tiếc vì điều này. Trừ một người - mẹ cô.
Hiển nhiên thì người mẹ nào cũng luôn yêu thương, hết lòng vì con cái nhưng ở Ngọc Hiếu, cô thật may mắn khi nhận được sự đồng cảm từ người mẹ của mình. Nhờ đó, cô rời TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt sinh sống rồi kết hôn cùng Vũ mà chẳng bận tâm tới việc cô sẽ làm gì ở mảnh đất này. Thực ra, như Ngọc Hiếu chia sẻ, cô bỏ lại sau lưng tất cả vì tình yêu với Vũ, chứ không phải vì anh có nói rằng, cứ lên Đà Lạt và anh sẽ tự mình nuôi cô.
Ngọc Hiếu hành động theo con tim mách bảo, trước khi cô nhận ra Đà Lạt cũng dành cho cô, chào đón cô và cô cũng có niềm đam mê âm nhạc chẳng kém gì người chồng. Thế là từ chỗ chỉ xem anh biểu diễn, nghiên cứu nhạc cụ và sáng tác, cô hát rồi học chơi trống thép chỉ trong một thời gian ngắn. Cô hát được nhiều thể loại nhưng có vẻ thích hợp hơn với những sáng tác của Trịnh Công Sơn và Ngô Thụy Miên, trong khi Vũ thì luôn khuyến khích cô hát các bài hát có giai điệu trẻ trung, sôi động về quê hương, đất nước. Cũng vì vậy mà Ngọc Hiếu đôi lúc phải sử dụng các loại trống thép có tông khác nhau, trong đó tông Rê phù hợp nhất với giọng của cô, dù giá thành mỗi quả không hề rẻ, từ 15 đến 20 triệu đồng cho trống sản xuất trong nước và cao gấp nhiều lần nếu đấy là trống sản xuất ở nước ngoài. Điều đó giải thích tại sao ngay cả khi việc học chơi trống thép tương đối dễ, như Ngọc Hiếu học chỉ trong một tuần, ở Việt Nam vẫn không có nhiều người theo đuổi niềm đam mê với loại nhạc cụ đắt tiền này. Những người có nhu cầu thì có thể đặt mua trống thép ở TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội để học chơi nhưng biểu diễn và hát được như cô, có lẽ là chưa có ai.
Cũng dễ hiểu vì không phải đến bây giờ, Ngọc Hiếu mới thể hiện tình yêu hết mình với ca hát và trống thép, nếu không muốn nói cô có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ và được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Những năm đó, gia đình cô còn ở Bình Định và họ có một nhóm hát. Vì thế, ngay từ bé, Ngọc Hiếu đã được hát rất nhiều và cô vẫn nhớ nhiều bài cho đến tận bây giờ. Và Đà Lạt trở thành sân khấu để cô thể hiện rõ hơn tài năng cùng với những ngón tay điêu luyện nhảy múa trên từng vòng âm, chứ không phải mảnh đất Đồng Nai mà gia đình cô tới lập nghiệp sau này hay TP Hồ Chí Minh là nơi cô theo học.
Cũng tại Đà Lạt, trái ngọt của cuộc tình yêu xa (qua mạng xã hội) giữa Ngọc Hiếu và Tấn Vũ là một bé gái 13 tháng tuổi mà họ mong chờ từ lâu. Việc sinh nở và chăm con khiến cô gầy đi so với trước, cũng như lấy đi rất nhiều nội lực trong giọng hát của cô. Bù lại, tiếng cười của trẻ nhỏ khiến cô cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa và đầy lạc quan, kể cả trong giai đoạn vừa qua khi dịch Covid-19 ập đến và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Ở bên con, Tấn Vũ dành thời gian nhiều hơn cho việc sáng tác, trong lúc Ngọc Hiếu khi rảnh vẫn chăm chỉ một mình vượt qua những con dốc quanh co, những khúc cua gấp theo hướng đi Đường hầm điêu khắc Đà Lạt và biểu diễn tại đó. Cũng như mọi người, cô hy vọng dịch bệnh sẽ chấm dứt, để khách du lịch trở lại Đà Lạt xem cô hát nhiều hơn, để cô và chồng có thể thực hiện một tua diễn xuyên Việt như dự định của hai người. Và ước mơ lớn nhất của cô là được biểu diễn ở Hà Nội vào mùa thu, không phải vì Nhìn những lần thu đi/tay trơn buồn ôm nuối tiếc/nghe gió lạnh về đêm/hai mươi sầu dâng mắt biếc/thương cho người rồi lạnh lùng riêng như trong bài Nhìn những mùa thu đi cô đã hát cho tôi nghe mà chỉ đơn giản là cô nghe chồng mình nói rằng, mùa thu ở Hà Nội đẹp, đẹp lắm.
Cũng vì thế mà biết đâu, trong một ngày không xa, tôi sẽ gặp lại Ngọc Hiếu và chồng cô tại Thủ đô cùng với thứ âm thanh trong trẻo, đầy mê hoặc phát ra từ “chiếc đĩa bay” mà chỉ một lần nghe thôi cũng nhớ cả đời.