Đến Bắc Ninh ghé thăm làng Quan họ cổ Hoài Thị
Một buổi giao lưu giữa CLB Quan họ Hoài Thị với CLB Quan họ Viêm Xá (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).
Chúng tôi về làng Quan họ cổ Hoài Thị để cảm nhận khung cảnh yên bình của một miền quê trù phú. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoài Thị là đơn vị xã nằm trong tổng Nội Duệ (Tiên Du), đầu năm 1947 các thôn: Chè, Dọc, Hoài Trung, Hoài Thị, Hoài Thượng, Bái Uyên sáp nhập thành xã Liên Bão nằm trong huyện Tiên Du. Từ đó đến nay, qua nhiều lần đổi thay địa giới hành chính, Hoài Thị vẫn giữ nguyên tên gọi và thuộc xã Liên Bão.
Hoài Thị có đình thờ thành hoàng làng là Đống Long công chúa. Theo sự tích, công chúa là con gái vua Lý, vốn xinh đẹp, đức hạnh, thích đi du ngoạn. Một lần, công chúa đi du ngoạn, thấy nơi đây có phong cảnh đẹp, phía trước là hai dãy núi Vân Khám và Long Khám uốn lượn (dân gian vẫn gọi là núi Rồng, núi Hổ), phía sau là rừng sim thơm mát, phong cảnh hữu tình. Vì mến mộ nơi đây, công chúa liền xin với vua cha cho hưởng thực ấp ở đây. Khi Công chúa bị cảm và mất, Nhà vua ban sắc phong cho nhân dân Bịu Sim lập đền, dựng đình thờ phụng. Nhân dân hàng năm “xuân thu nhị kỳ” tổ chức tế lễ, hội hè trọng thể vào ngày 10 tháng Giêng và mùng 1 tháng 8 âm lịch.
Hội chính được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng gọi là ngày “Đại kỳ phước”. Trong ngày hội, sau các nghi thức lễ, làng mở các trò chơi dân gian: Vật, đu và không thể thiếu canh hát Quan họ.
Ngay cạnh đình làng là chùa Hoài Thị có tên chữ là Đại Bi tự. Qua bao biến thiên của lịch sử đến nay, đình và chùa Hoài Thị vẫn giữ nguyên phong cách xây dựng truyền thống là nơi để nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng. Đình làng là nơi để các liền anh, liền chị Quan họ sinh hoạt định kỳ hàng tháng và tổ chức hát giao lưu đối đáp với Quan họ bạn.
Anh hai Quan họ Nguyễn Sỹ Yên, Chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Thị đón chúng tôi ở cổng làng trong sự chân tình, mến khách. Theo những con đường bê tông len qua các ngõ xóm, thấy làng quê giờ như một bức tranh tươi mới với những ngôi nhà cao tầng đủ các kiểu dáng, màu sắc, cuộc sống người dân nơi đây đang từng ngày phát triển song vẫn gìn giữ, phát huy được vốn di sản văn hóa đặc trưng của quê hương. Có lẽ chất dân ca đã thấm đẫm vào mỗi con người nơi đây, để rồi khi chúng tôi gặp nhau, những liền anh, liền chị lại ca câu Quan họ: “Hôm nay sum họp trúc mai/Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quỳnh, 86 tuổi nhưng vẫn tâm huyết truyền dạy và dìu dắt thế hệ trẻ quê hương, chia sẻ: Từ thời thanh niên tôi đã theo ông, bố đi dự các canh hát vào mỗi dịp lễ, hội hay gia đình anh hai, chị hai có việc mời Quan họ bạn. Cùng là câu Quan họ nhưng Hoài Thị có nét đặc trưng riêng, ví dụ như giọng La rằng ở đây chúng tôi hát phải có mở đầu xong mới đến thân bài nhưng nhiều nơi họ hát vào thân bài ngay.
Từ bao đời nay, Quan họ luôn là một phần máu thịt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây, nhiều thế hệ liền anh, liền chị trẻ tuổi tiếp bước truyền thống gia đình, quê hương đã tự nguyện tìm đến với Quan họ bằng những tình cảm sâu nặng của riêng mình. Vì hiểu được giá trị vốn có đặc sắc của quê hương nên dù cuộc sống có bận rộn, thế hệ trẻ của làng Hoài Thị vẫn dành thời gian, công sức để học hỏi Quan họ. Điều hiếm có ở CLB Quan họ Hoài Thị mà các CLB khác khó có được đó là số liền anh và liền chị ngang nhau, đây được coi là điểm mấu chốt thuận lợi để tổ chức hát đối đáp Quan họ. Ngoài những buổi cùng nhau học nhóm tại gia đình, mỗi tháng CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần tại đình làng.
Tại buổi sinh hoạt, các liền anh, liền chị thể hiện những bài Quan họ mới học trong thời gian qua đồng thời hát lại những bài cũ cho nhuần nhuyễn. Sau khi ca các làn điệu Quan họ, các thành viên sẽ được nghệ nhân và các cụ cao niên trong làng góp ý từng câu, chữ sao cho lời ca được “vang, rền, nền, nảy”.
Không chỉ nhận xét lời ca của từng thành viên, các cụ cao niên và nghệ nhân còn chỉ dạy cách têm trầu cánh phượng, góp ý trong mặc trang phục Quan họ, cách giao tiếp, ứng xử. Những buổi sinh hoạt hàng tháng tại đình làng của CLB được coi là buổi tổng duyệt để sẵn sàng tham gia giao lưu đối đáp với các CLB bạn. Từ buổi tổng duyệt này, các thành viên ngày càng tích lũy thêm vốn liếng, kinh nghiệm trong lời ca, câu hát và lối chơi Quan họ.
Nghe liền anh, liền chị Hoài Thị ca Quan họ, nhiều nghệ nhân và liền anh, liền chị ở các làng Quan họ khác đều nhận ra đó là câu ca của Bựu Sim, bởi không chỉ đặc trưng do chất giọng địa phương mà đã vào canh hát, Quan họ Hoài Thị luôn hát bài bản đủ 5 giọng lề lối. Quan họ Hoài Thị kết bạn với Quan họ Viêm Xá đã mấy trăm năm đến nay tình nghĩa giữa hai làng vẫn bền chặt, keo sơn. Quan họ Hoài Thị phát triển mạnh nhất những năm đầu thế kỷ XX, ngoài 4 bọn Quan họ kết bạn với Quan họ Diềm, Hoài Thị còn có 4 bọn Quan họ khác kết bạn với các bọn Quan họ ở Xuân Ổ (Võ Cường, thành phố Bắc Ninh), Tam Sơn (thị xã Từ Sơn), Ngang Nội (Hiên Vân, Tiên Du), Ném Tiền (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh). Trong các ngày hội ở Bựu Sim thường hát Quan họ ngoài trời, hát ở sân đình, sân chùa sau đó trọng tâm vẫn là hát canh Quan họ ở nhà các bọn Quan họ Bựu Sim với Quan họ Diềm. Canh hát kéo dài thâu đêm suốt sáng với lời ca mượt mà sâu đậm tình nghĩa giữa hai làng.
Dù cuộc sống hiện đại với bộn bề lo toan, thế hệ trẻ Hoài Thị vẫn đều đặn tham gia các buổi sinh hoạt, đến nay CLB Hoài Thị có gần 50 thành viên, ngoài ra còn có lớp truyền dạy thế hệ măng non cho gần 60 em. “Tre già, măng mọc” Quan họ Hoài Thị chắc chắn sẽ mãi được lưu truyền gìn giữ, phát huy từ đời này sang đời khác để mỗi ai khi về nơi đây lại thổn thức, bịn rịn trong câu ca “Người ơi người ở đừng về”.