Đến Quảng Nam du lịch đồng quê, trải nghiệm cưỡi trâu, bắt cá
1. Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) ẩn chứa vẻ đẹp mộc mạc nguyên sơ đặc trưng của một vùng quê xứ Quảng, nơi những nếp nhà bình lặng ẩn mình dưới rặng tre và những hàng cây xanh ngát. Kể từ khi làng làm du lịch cộng đồng, khách đến Triêm Tây càng thích thú hơn với những con đường mang những cái tên mộc mạc: đường Chè Tàu, đường Nhà Cổ, đường Me Xanh, đường Ngõ Chùa…
Bản thân tên gọi mỗi con đường cũng đã nói lên tính đặc trưng của nó. Trong đó, đường Chè Tàu là nơi có nhiều hàng chè tàu nhất được cắt tỉa gọn gàng, đường Nhà Cổ dẫn khách đi ngang qua ngôi nhà cổ Xã Mùi có niên đại gần trăm năm tuổi. Có thể nói, tên đường không chỉ định danh cho điểm đến mà còn tạo thuận lợi để khách dễ dàng tham quan, trải nghiệm quanh làng. Những con đường không chỉ nên thơ với luống hoa tím lãng mạn mà còn khang trang sạch sẽ hơn, gợi ấn tượng thân thiện cho khách về một miền quê yên bình.
Với Cẩm Thanh (Hội An) hay Trà Nhiêu (Duy Xuyên), dù không có bảng đề tên nhưng khách đến làng vẫn được nghe những tên xóm tên đường qua câu chuyện của người dân đón khách như: đường hoa cúc, đường dừa nước, hàng cau, xóm trước, xóm sau, Đông Hà, Tây Tịnh, ven sông… Tất cả đều mộc mạc như chính cuộc sống người dân trong vùng. Ở đó, mỗi tên xóm tên đường không chỉ phản ánh lịch sử văn hóa làng mà còn là sản phẩm du lịch nhằm mang đến sự hài lòng cho khách.
Vào dịp cuối năm, khách đến Trà Nhiêu nhìn con đường chè tàu phủ kín sợi tơ hồng như tấm thảm mềm mại chạy dài sẽ cảm thấy làng quê thật yên bình. Điều đó càng minh chứng, sản phẩm du lịch không phải là những điều cao xa mà rất bình dị nhưng phải độc đáo và ấn tượng để khách một lần đến sẽ nhớ mãi. Và những con đường làng quê Trà Nhiêu đã là một sản phẩm như vậy.
2. Ngày nay, du lịch cộng đồng, làng nghề, sinh thái đang là xu hướng chung ở nhiều nơi nhằm không chỉ giúp khách trở về với thiên nhiên mà còn là cơ hội trải nghiệm đời sống người dân quê. Cưỡi trâu, cày ruộng, chài lưới, bắt cá trên sông hay bắt cua còng giữa lạch dừa đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách, nhất là khách nước ngoài.
Tại khu rừng dừa nước Bảy Mẫu Cẩm Thanh, nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển giá trị như tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm, cộng đồng địa phương đã biết tân dụng lợi thế này để biến thành sản phẩm du lịch. Những chiếc thuyền, thúng đưa khách luồn lách tham quan sâu vào rừng dừa hay xuôi hạ nguồn về cửa biển trình diễn bắt cá trên sông đã trở thành một trong các tour tham quan ưa thích.
Một sản phẩm du lịch độc đáo được khá nhiều du khách nước ngoài lựa chọn chính là tour trải nghiệm các công việc nhà nông như cày, bừa, tát nước, gieo sạ… Khi tham gia tour, du khách sẽ được cho trâu ăn, cưỡi trâu lội ruộng sau đó sẽ được bày cách điều khiển trâu cày bừa, cách tát nước bằng gàu, gieo lúa, gặt lúa, tuốt lúa, giã gạo, xay bột, đúc bánh xèo và ăn cơm trưa tại làng.
Tương tự, tại làng Triêm Tây, từ khi phát triển du lịch cộng đồng nhiều sản phẩm dịch vụ khá bình dị nhưng không kém phần độc đáo cũng đã được đầu tư phát triển như đưa khách tham quan vườn cộng đồng, học làm nông dân, trải nghiệm dệt chiếu, xem hát múa bả trạo, dân ca… đã thật sự tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Sự ra đời các sản phẩm du lịch thôn quê ngoài mục đích mang lại thu nhập cho người dân còn giúp khách có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ; hiểu hơn về ngành nông nghiệp lúa nước cũng như đời sống thôn quê Việt Nam. Từ đó không chỉ mang đến sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương, quảng bá các giá trị văn hóa làng quê, mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân để họ sống tốt trên chính mảnh đất quê mình. Đây cũng chính là mục tiêu bền vững mà các địa phương và ngành du lịch đang hướng đến./.