Hoạt động của ngành

Đền Tam Giang - công trình kiến trúc đặc trưng của Phú Thọ

Cập nhật: 15/01/2020 10:59:10
Số lần đọc: 1069
Đền Tam Giang tọa lạc tại phường Bạch Hạc (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia với công trình kiến trúc theo lối “Tiền thần, hậu phật”.


Toàn cảnh đền Tam Giang.

Đền Tam Giang là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Ngôi đền có vị trí đắc địa (điểm hợp giang của ba con sông hay còn gọi là tam giang), phía trên là trời mây thoáng đãng, xung quanh là non nước bao la, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Ngôi đền quay ra sông nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh.

Đền Tam Giang xây dựng vào giữa thế kỷ XII năm Vĩnh Huy 650 đến năm Gia Long 1818, đền được tu sửa vào năm Duy Tân tháng 6/1929, lần 2 năm 2010 và năm 2019 gần đây nhất. Trải qua nhiều thế kỷ, đền Tam Giang đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo mà vẫn giữ được dáng vẻ và kiến trúc đẹp.

Đền Tam Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là nằm trong cụm di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thờ các nhân vật lịch sử huyền thoại, thời Hùng Vương dựng nước là Thổ lệnh cao quan Bạch Hạc Đại Vương đã có công cứu nước, giúp dân trị thủy. Trong đền còn thờ nhân vật lịch sử triều Trần là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và thờ Mẫu. Ngoài ra, hệ thống các công trình kiến trúc tượng thờ, hiện vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất kinh đô Văn Lang xưa.

Đền Tam Giang với quy mô rộng 21.000m2 cùng với công trình kiến trúc theo lối “Tiền thần, hậu phật” cổng đền là kiến trúc độc đáo kiểu nghi môn tứ trụ truyền thống. Phía trong là đền chính được thiết kế gồm hai tòa tiền tế và hậu tế. Tòa tiền tế gồm một gian là nơi đặt bàn thờ thần chủ bản đề và các tổ chức nghi lễ cúng tế của nhân dân du khách. Tòa hậu cung ba gian là nơi đặt các ban, khám thờ Mẫu được chạm trổ các bộ tứ quý “long, ly, quy, phụng”, sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Đền Tam Giang còn giữ được những pho tượng và đồ vật quý như: Tướng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cao 3,35m đúc bằng đồng trong tư thế oai phong uy nghi nhìn thẳng ra sông Lô, là một danh tướng thời Trần suốt 30 năm xây dựng và trấn giữ tuyến phòng thủ Tam Giang Bạch Hạc. Ngài đã lập nhiều chiến công hiển hách hàng phục chúa đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật bằng ngoại giao hòa bình và ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông; bia đá “hậu thần bia ký”- niên Đại Gia Long năm thứ 1718; chuông đồng Thông thánh quán Trung Ký - niên hiệu Minh Mệnh thứ 11-1830; lư hương gốm da lươn, thuộc loại đồ gốm men da lươn cuối thế kỷ 18; ngai thờ được chạm khắc tinh xảo... là những cổ vật mang đậm chất giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật.

Đối với công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân, nhân dân đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ hội được mở đầu với nghi thức rước nước truyền thống. Đội trưởng đội tế nam cùng đại diện các cụ cao niên và lãnh đạo địa phương, các tầng lớp nhân dân cùng lên thuyền thực hiện nghi thức rước nước linh thiêng tại nơi 3 con sông: sông Hồng, sông Đà và sông Lô hợp thủy; sau đó diễn ra hội bơi chải truyền thống trên sông Lô và nhiều hoạt động khác. Ngôi đền rất linh thiêng nên thường xuyên có cậu lính cô đồng đến thực hiện các nghi lễ múa hát trầu văn hầu đồng, tạo nên nét văn hóa độc đáo đã thu hút rất nhiều du khách thập phương tới dâng nhang và thăm quan nơi đây.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục